Lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng 4,4% so với cùng kỳ 2020
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm của Việt Nam bất ngờ bật tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020 với tổng lượng vốn đạt 22,15 tỷ USD. Điều này cho thấy, những thông tin doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam "là chưa chính xác".
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, sau 8 tháng ghi nhận lượng vốn FDI sụt giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020, thì qua 9 tháng, lượng vốn đổ vào Việt Nam đã bất ngờ tăng tới 4,4% so với cùng kỳ.
Theo đó, tính chung trong 9 tháng qua, tổng lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó Long An là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta từ đầu năm đến nay.
9 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 1.212 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký là 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn điều chỉnh có 678 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 6,4%, tăng 25,6%. Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm có 2.830 lượt, tổng vốn đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp những tháng gần đây dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, đã khiến FDI giải ngân giảm.
Có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2, với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật Bản đứng thứ 3, với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều này khá bất ngờ khi thời gian giãn cách kéo dài vừa qua vì dịch bệnh đã khiến Việt Nam dần đánh mất thế mạnh của mình. Đã từng có ý kiến cho rằng, vị thế dẫn đầu của Việt Nam trong cuộc đua giành FDI với các đối thủ như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Mexico đang dần bị lung lay bởi bức tranh ảm đảm do COVID-19 phủ bóng.
Tuy nhiên, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 9 tháng bật tăng đã cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục hưởng lợi trong quá trình chuỗi cung ứng trên toàn cần đang thay đổi, sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cũng như sự gián đoạn sản xuất ở các khu vực khác.
Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử, hai "ông lớn" là Samsung và LG vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Các đại diện hiệp hội cho rằng, dù lượng đơn hàng FDI sụt giảm trong vài tháng trước, nhưng điều đó không đồng nghĩa với doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Việt Nam.
Đồng quan điểm, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam mới đây đã đưa ra khẳng định, thông tin doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam "là chưa chính xác". Đó chỉ là, tình trạng đơn đặt hàng được chuyển ra khỏi Việt Nam, "chứ không hẳn doanh nghiệp đi khỏi đây".
Chính phủ Việt Nam khẳng định, luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp FDI và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép; đồng thời, đảm bảo việc duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bên cạnh các biện pháp phòng dịch phù hợp với thực tiễn...
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do một Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng để nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư, đối thoại, xử lý kiến nghị của các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam.
Với nền tảng vĩ mô vững mạnh của Việt Nam cùng với tỷ lệ tiêm chủng sớm đạt tỷ lệ 70% dân số sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Tuy vẫn có nhiều thách thức phía trước, song Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới.