Xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt thương mại biên giới
(Tài chính) Những năm qua, trao đổi thương mại giữa nước ta với các nước chung biên giới có chuyển biến tích cực, giúp mở rộng thị trường cho hàng Việt, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thương mại biên giới, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn.
Nước ta có đường biên giới chung trên đất liền dài trên 4.500km, với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, chạy qua 25 tỉnh.
Trong đó, có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu song phương (cửa khẩu chính hoặc cửa khẩu quốc gia), 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở phục vụ hoạt động vận chuyển qua lại giữa nước ta và các nước có chung biên giới.
Theo Ban chỉ đạo Thương mại đường biên giới Trung ương, hoạt động thương mại biên giới giữa nước ta và các quốc gia có chung đường biên giới ngày càng được Nhà nước chú trọng, quan tâm phát triển.
Hoạt động thương mại biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của các địa phương có đường biên giới, cũng như người dân sống lân cận, cụ thể, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương có đường biên hợp lý hơn; thúc đẩy liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành khác trên toàn quốc.
Hoạt động thương mại biên giới cũng giúp hình thành các khu vực kinh tế vùng biên năng động, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, các thị trường trong tuyến biên giới và xa hơn nữa là thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch trao đổi giữa các tỉnh biên giới còn chậm và không đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về điều kiện địa hình kinh tế của khu vực biên giới. Cơ cấu hàng hóa trao đổi biên giới còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu tính bền vững. Ngoài ra, cơ chế quản lý hoạt động thương mại biên giới chưa có sức hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiệu quả trao đổi hàng hóa tại các chợ biên giới thấp; hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái diễn biến ngày càng phức tạp...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công thương Đinh Văn Thành cho rằng, hoạt động thương mại biên giới là hoạt động đặc thù, nên không thể điều chỉnh bằng những quy định áp dụng chung trên cả nước về trao đổi thương mại.
Nhưng hiện chưa có quy định riêng cho hoạt động thương mại này, chồng chéo, chưa rõ ràng và khó hiểu, khiến khó quản lý và điều hành hiệu quả hoạt động thương mại biên giới. Do đó, ông Đinh Văn Thành đề nghị, phải xây dựng cơ chế quản lý và điều hành linh hoạt hoạt động thương mại biên giới giữa các bộ, ngành, Trung ương và phân cấp nhiều hơn nữa cho UBND các tỉnh biên giới.
Trưởng ban Thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Viết Thái nhận định, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, phát triển thương mại là điều kiện cho quá trình tăng trưởng và hội nhập kinh tế thế giới, kinh tế khu vực.
Với lợi thế gần kề thị trường lớn như Trung Quốc, nước ta phải nỗ lực hơn nhằm huy động nguồn lực và các điều kiện cần thiết để tập trung phát triển thương mại biên giới. Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp, nên phải thường xuyên cập nhật phương thức quản lý mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại đường biên.
Để thương mại biên giới đạt được kết quả tích cực hơn, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới trong việc xây dựng các văn bản quản lý của hai bên (chủ yếu là hiệp định, thỏa thuận).
Cần nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và rà soát thực tế để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ cho hoạt động này; đồng thời, đẩy mạnh chiến lược quy hoạch thương mại biên giới, trước hết là xây dựng chiến lược tổng thể để tạo sự cân bằng về lợi ích giữa các bên; xây dựng cơ chế đầu tư trở lại từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động trao đổi thương mại.