Xây dựng Dự án Luật thuế Tài sản: Mở rộng, bao quát các cơ sở thuế, đảm bảo khoan sức dân
Hoàn thiện theo hướng mở rộng, bao quát các cơ sở thuế , gắn với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất hay tính toán mức thuế thấp vừa sức dân… là những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đối với Dự án Luật thuế tài sản đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.
Cần gắn với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Luật Thuế Tài sản nếu được ban hành, sẽ góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, ở các nước trên thế giới là ở các nước đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản thu ngân sách về tiền sử dụng đất như nước ta. Ở Việt Nam, tiền sử dụng đất hiện nay không phải là một sắc thuế, vì đang được quy định bởi Luật Đất đai và là một nguồn thu quan trọng của ngân sách. Tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% trong giá thành nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự.
Do vậy, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản (đánh thuế đất ở, nhà ở) cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất. Việc sửa đổi này nên theo hướng quy định tiền sử dụng đất là một sắc thuế đánh trên hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất khoảng 10 - 15% (hoặc một mức thuế suất khác), tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, được điều chỉnh hàng năm phù hợp với giá thị trường.
“Thực hiện như vậy để đảm bảo tính minh bạch, loại trừ cơ chế "xin-cho" và giảm mức thu tiền sử dụng đất đang còn cao hiện nay về mức hợp lý hơn. Trên cơ sở đó, sẽ bổ sung thuế tài sản đất ở, nhà ở, để tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước...” Ông Châu nhấn mạnh.
Hoàn thiện theo hướng mở rộng, bao quát các cơ sở thuế
Đánh giá về sự cần thiết xây dựng Dự án Luật thuế tài sản, TS. Nguyễn Đình Chiến - Học viện Tài chính cho biết, việc xây dựng Dự án Luật thuế tài sản là hết sức cần thiết, bởi đây là một trong những công cụ quan trọng để mở rộng cơ sở thuế, nhằm tạo điều kiện hạ thấp mức thuế mà vẫn đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước.
Gợi mở hướng hoàn thiện chính sách thuế tài sản, TS. Nguyễn Đình Chiến phân tích, Việt Nam hiện nay, chỉ có hai sắc thuế điều tiết vào cùng một loại tài sản, đó là thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Cụ thể: Thuế sử dụng đất nông nghiệp đánh vào tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đánh vào tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất phi nông nghiệp.
TS. Nguyễn Đình Chiến cho rằng, xét về cơ sở thuế, chính sách thuế tài sản Việt Nam vẫn còn khoảng trống cần phải được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo bao quát, điều tiết đầy đủ hơn các khả năng đánh thuế tài sản trong nền kinh tế. Do đó, trong điều kiện hiện nay cũng như thời gian tới, chính sách thuế tài sản của Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng mở rộng, bao quát được các cơ sở thuế nhằm phát huy hơn nữa các vai trò của thuế tài sản, đặc biệt là trong việc tăng thu ngân sách nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nguồn lực tài sản trong dân cư ngày càng tăng trưởng.
“Cần tính toán làm sao cho vừa sức dân”
Nêu quan điểm về những đề xuất của Bộ Tài chính tại Dự án Luật thuế Tài sản, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, về nguyên tắc, thu thuế về tài sản, bất động sản là phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, đối với các phương án thuế suất, vị chuyên gia này kiến nghị, thu thuế tối đa không phải ở thuế suất cao nhất mà thu thuế tối đa là ở mức thuế thấp vừa phải để cho người dân có thể kinh doanh được. Nếu nâng mức thuế quá cao thì người dân sẽ không muốn kinh doanh hoặc là tìm cách để trốn thuế. Bởi vậy, xây dựng Luật thuế Tài sản cần tính toán làm sao cho vừa sức dân.