Chuyên gia nói gì về đề xuất Dự án Luật Thuế Tài sản của Bộ Tài chính?
Việc Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa dự án Luật Thuế Tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đang nhận được những ý kiến trái chiều của dư luận và người dân. Tuy nhiên, xem xét trên nhiều góc độ, nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ đề xuất này.
Chia sẻ với báo giới, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam ủng hộ việc triển khai thuế Tài sản bởi loại thuế này đảm bảo tính công bằng hơn rất nhiều so với việc tăng thuế giá trị gia tăng.
“Rõ ràng nếu đánh thuế này, người giàu hơn sẽ phải trả thuế nhiều hơn khi họ sở hữu nhiều tài sản hơn, nhà sang hơn, đất rộng hơn… Bên cạnh đó về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, hạn chế đầu cơ đất đai, nhà ở. Đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Thực tế việc đầu cơ hiện nay rất nhiều, nhà đất để không quá lãng phí. Đất đai, nhà cửa phải đưa vào khai thác mới tạo ra được giá trị”, chuyên gia này lý giải.
Cùng quan điểm này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, ở các nước chưa phát triển, trong đó có Việt Nam, có những đại tỷ phú ôm nhà đất rất lớn, có số thuế nộp rất thấp, so với khối tài sản sinh lời; họ hưởng mọi hạ tầng đầu tư phát triển do toàn dân nộp thuế, ngày càng giàu lên nhưng không bị “phân phối lại” bao nhiêu mà nguyên nhân chính là do hiện nay họ không bị thuế tài sản.
Chuyên gia này cho rằng, Luật Thuế Tài sản, trong đó có bất động sản là cần thiết, và phải thực hiện trong một quốc gia văn minh hiện đại. Đó không chỉ là do nhóm người trung bình và nghèo (thường chiếm 70 – 80%) kêu gọi, yêu cầu. Đó chính là sự cần thiết thực hiện của những người có tài sản trên mức trung bình thực hiện để đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn, trong đó, nhóm người nộp thuế tài sản nhiều hơn, lại có sự gia tăng tài sản nhiều hơn. Ở các nước phát triển, đó là nguồn thuế ổn định và lớn để ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội.
“Nếu không ra sắc thuế này, Việt Nam có thể bị kéo giật về thời phong kiến kiểu mới, ở đó không phải những nhà sáng tạo, sản xuất kinh doanh tài giỏi chân chính là nhóm dẫn dắt; mà chính là những người có nhà đất lớn, những địa chủ, lãnh chúa đời mới là nhóm cầm chịch!", TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Trong báo cáo góp ý kiến về đề xuất ban hành Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Luật Thuế tài sản nếu được ban hành sẽ góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: "Đánh thuế tài sản là hết sức bình thường, nhưng tôi nghĩ sau 2020 là hợp lý, khi Luật Đất đai sửa đổi, đề án cấp thẻ định danh cũng kiện toàn sẽ hỗ trợ sắc thuế này thực hiện hiệu quả và đúng trọng tâm hơn".
Trong buổi họp báo chuyên đề mới đây, lí giải sự cần thiết của việc xây dựng Luật Thuế Tài sản, đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, đó là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách tài chính đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu NSNN; Thực hiện mục tiêu cải cách hệ thống chính sách thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, bao quát nguồn thu, tạo nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội; Góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.