Xây dựng dự thảo nghị định quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
Qua 5 năm thực hiện Nghị định số 46/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã phát sinh một số bất cập cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế để trình Chính phủ.
Những khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 46/2018/NĐ-CP đã được các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá rất cụ thể.
Trước hết là đối với phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Theo đó, Nghị định này chưa bao quát hết các loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, quản lý, hoặc chưa làm rõ chế độ quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, chưa làm rõ chế độ quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý với đối tượng khác quản lý...
Tiếp đó, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho đối tượng quản lý cũng chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được hình thành từ dự án sử dụng vốn nhà nước, được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì việc giao tài sản cho đối tượng quản lý, việc xử lý tài sản (giao, điều chuyển) thực hiện theo quy định về xử lý đối với tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân hay thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt…
Các bộ, ngành, địa phương cho rằng, những bất cập này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện Nghị định số 46/2018/NĐ-CP; Đồng thời cũng có các nguyên nhân từ nội tại của Nghị định số 46/2018/NĐ-CP như các quy định chưa bao quát được các tình huống phát sinh trong thực tiễn.
Nêu ý kiến đóng góp tại cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, sáng 28/3, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, đường sắt quốc gia là loại hình vận tải có từ lâu đời, còn đường sắt đô thị là loại hình vận tải mới, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp quản lý đường sắt đô thị cùng phải tích lũy kinh nghiệm để xây dựng các quy định sát với thực tiễn.
Cùng với đó, trong quá trình áp dụng phải được thường xuyên đánh giá hiệu quả để điều chỉnh, sửa đổi các quy định cho phù hợp. Theo ông Vũ Hồng Trường, nếu ban hành nghị định chung sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đường sắt quốc gia hoặc ngược lại.
Cũng chia sẻ tại cuộc họp, Tổng Giám đốc công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh thống nhất việc bổ sung quy định đối tượng áp dụng của nghị định sửa đổi gồm doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt là: Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do nhà nước nắm giữu 100% vốn điều lệ được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
Đa số các đơn vị đều thống nhất với quy định: “Toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia, đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, Phó trưởng Ban soạn thảo cho biết, Bộ Tài chính phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ sớm hơn. Tuy nhiên, việc sớm này hoàn toàn phụ thuộc vào các bộ và địa phương.