Xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2022 tiết kiệm tối thiểu 10% dự toán năm 2021
Xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên so với dự toán năm 2021 trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách...
Đảm bảo chính sách chi cho con người, an sinh xã hội
Bộ Tài chính hướng dẫn, việc xây dựng dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 dựa trên cơ sở Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn, các văn bản pháp luật có liên quan; Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, các Nghị quyết Hội nghị trung ương 6,7 Khóa XII.
Đồng thời, cũng dựa theo nội dung trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; nội dung trình nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính Chính phủ và số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2022; chính sách, chế độ, định mức chi NSNN; các đề án, nhiệm vụ theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.
Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xây dựng dự toán chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực chi, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, các chính sách cho người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành; kinh phí sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất theo quy định. Không bố trí chi thường xuyên cho các nhiệm vụ mới về cải tạo, nâng cấp, mở rộng, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 14/5/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn, kinh phí thanh tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về ghi nhãn mác hàng hóa trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm cần xây dựng kinh phí đảm bảo cho các hoạt động này và kinh phí khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm.
Gắn với tinh gọn bộ máy, tự chủ tài chính
Theo Bộ Tài chính, dự toán chi thường xuyên năm 2022 nguồn NSNN của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW; kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, thực hiện kiêm nhiệm chức danh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 14/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, quỹ lương tính theo biên chế được giao hoặc theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đó, xác định cụ thể các tác động tăng hoặc giảm quỹ lương năm 2022 so với năm 2021.
Đồng thời, thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên (ngoài chi lương, các khoản đóng góp theo lương theo quy định, các khoản chi cho con người) so với dự toán năm 2021, trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị...; tăng chi từ nguồn thu sự nghiệp công; dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, thực hiện chuẩn nghèo, chi trợ cấp xã hội.
Dự toán chi hoạt động năm 2022 nguồn NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, NSNN không hỗ trợ chi thường xuyên. Đơn vị thực hiện báo cáo đầy đủ nguồn thu, nhiệm vụ chi năm hiện hành và dự kiến năm kế hoạch; gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, gửi Bộ Tài chính cùng thời điểm xây dựng dự toán NSNN hằng năm.
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi NSNN giai đoạn 2022- 2025 giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi NSNN giai đoạn 2017-2021, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách.
Các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN so với giai đoạn 2016-2020, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN bảo đảm.