Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp và một số đề xuất

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020

Kế toán môi trường hướng tới sự phát triển bền vững, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng và theo đuổi các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động bình thường, xác định lợi ích từ các hoạt động, cung cấp cách thức định lượng và hỗ trợ công bố thông tin.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết này đánh giá khái quát về vai trò, sự cần thiết của kế toán môi trường trong doanh nghiệp; vướng mắc trong áp dụng kế toán môi trường tại doanh nghiệp và gợi mở một số đề xuất phát triển hoạt động này trong thời gian tới…

Kế toán môi trường trong doanh nghiệp

Theo quan điểm của Ủy ban Phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc (UNDSD), kế toán môi trường là việc nhận diện, thu thập, phân tích và sử dụng hai loại thông tin phục vụ ra quyết định nội bộ, bao gồm: Thông tin cơ học (phi tiền tệ) về tình hình sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và các loại nguyên vật liệu (bao gồm cả chất thải); Thông tin tiền tệ về chi phí, thu nhập và khả năng tiết kiệm liên quan đến môi trường. Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC, 2005) định nghĩa: Kế toán môi trường là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai, thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường.

Kế toán môi trường hướng tới sự phát triển bền vững, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng và theo đuổi các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động bình thường, xác định lợi ích từ các hoạt động, cung cấp cách thức định lượng và hỗ trợ công bố thông tin.

Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong doanh nghiệp (DN), liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định. Khác với kế toán truyền thống, kế toán môi trường quan tâm rõ ràng tới tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra.

Kế toán môi trường có hai chức năng cơ bản đó là phục vụ cho quản trị nội bộ và báo cáo ra bên ngoài. Thực hiện chức năng này kế toán môi trường có ảnh hưởng đáng kể tới quyết định của người sử dụng thông tin kế toán ngoài DN như: Khách hàng, nhà đầu tư, chính quyền, dân chúng địa phương... Hơn nữa, kế toán môi trường nhằm mục tiêu đạt tới sự phát triển bền vững, duy trì quan hệ tốt đẹp tới cộng đồng, nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường.

Các phương pháp của kế toán môi trường cho phép DN nhận dạng chi phí môi trường, nhận diện các khoản thu nhập, chi phí và cung cấp các cách thức hợp lý nhất cho đo lường các chỉ tiêu (tiền tệ và hiện vật) và hỗ trợ cho các báo cáo kết quả về môi trường. Vì thế, kế toán môi trường được sử dụng như là một hệ thống thông tin về môi trường nhằm phục vụ cho các đối tượng trong và ngoài DN. Kế toán môi trường đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân DN mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho xã hội, con người, giúp nền kinh tế phát triển bền vững.

Xu thế và vai trò của kế toán môi trường

Một trong những đòi hỏi trong môi trường kinh doanh hiện đại là sự phát triển của DN phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường và kế toán môi trường là vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, đồng thời cũng hết sức khó khăn và nhiều thách thức trong việc triển khai tại DN. Kế toán môi trường là một công cụ cần thiết không chỉ giúp DN đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Kế toán môi trường còn cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc áp dụng kế toán môi trường sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp với các bên liên quan, tránh được những chi phí như tiền phạt, chi phí rủi ro khắc phục...

Việc vận dụng và phát triển kế toán môi trường cho Việt Nam sẽ góp phần quản lý chi phí, gia tăng lợi nhuận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời, tạo lập bước đi vững chắc cho các DN Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, để vận dụng kế toán môi trường cần nắm chắc vai trò, ý nghĩa, lợi ích của hoạt động này đối với DN.

Một trong số những chức năng của kế toán môi trường là nhận diện, quản trị, nghiên cứu và cắt giảm chi phí liên quan đến môi trường trong DN. Việc áp dụng kế toán môi trường sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan, tránh được những chi phí như tiền phạt, chi phí rủi ro khắc phục...

Mặt khác, thực hiện tốt kế toán môi trường sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản xuất. Cùng với đó, kế toán môi trường giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến giảm giá thành, giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.

DN có thái độ và hành vi tốt với môi trường sẽ là một thuận lợi rất lớn trong quá trình phát triển, nâng vị thế của DN đối với thị trường trong nước và toàn cầu, giúp DN hoà nhập vào thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn. Việc áp dụng tốt kế toán môi trường vào DN sẽ làm hài lòng, củng cố lòng tin với các bên có liên quan, vì các cơ quan nhà nước, các tổ chức môi trường luôn quan tâm đến phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Vận dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam

Trước hệ lụy do ô nhiễm môi trường gây ra đối với nền kinh tế-xã hội, Việt Nam đã có những chính sách tích cực để bảo vệ môi trường. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005; Luật Thuế Bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12); Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường…

Mặc dù, đã có những chính sách bảo vệ môi trường nhưng tại Việt Nam vẫn còn thiếu những văn bản pháp quy về kế toán môi trường, nhiều DN còn khá xa lạ với kế toán môi trường. Thực tế hiện nay cho thấy, Việt Nam chưa ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác kế toán môi trường cũng như hệ thống tài khoản, báo cáo kế toán về chi phí, thu nhập do công tác bảo vệ môi trường của DN đem lại. Các chi phí liên quan đến môi trường đang phản ánh chung trong các tài khoản chi phí quản lý và các nhà quản lý kinh tế không thể phát hiện, không thể thấy được quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng.

Hiện nay, trên các tài khoản kế toán chưa ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường như chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các vụ tai nạn, hủy hoại môi trường sinh thái, môi trường sống. sự chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý, quy định liên quan đến kế toán môi trường đã khiến không ít DN dù ý thức được lợi ích của vận dụng kế toán môi trường nhưng vẫn rất lúng túng trong thực hiện.

Bên cạnh đó, các tài khoản kế toán chưa quy định trong chế độ kế toán hiện hành về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính để phản ánh những thông tin về môi trường; Chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể vế cách hạch toán những thông tin về môi trường phát sinh trong DN...

Nội dung của kế toán môi trường không được phổ biến, truyền thông đến các nhà quản trị, những người làm công tác kế toán trong DN, phần lớn các DN đều chưa biết đến kế toán môi trường. Điều này tạo nên “khoảng trống” về nguồn nhân lực thực hiện kế toán môi trường tại Việt Nam và là nguyên nhân quan trọng làm cho các DN tại Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến công tác kế toán môi trường.

Thực tế cho thấy, không ít nhà quản trị DN chỉ chú trọng đến lợi ích cục bộ và nghĩ rằng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thực hiện công tác kế toán môi trường làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận DN. Sự nhận thức chưa rõ về lợi ích, hiệu quả của việc áp dụng kế toán môi trường của nhà quản trị có thể coi là nguyên nhân chính làm cho các DN tại Việt Nam chưa áp dụng kế toán môi trường. Nhiều DN chưa thực hiện tốt, thậm chí là trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường, do vậy không phản ánh đầy đủ hoặc chưa có các chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường của DN…

Gợi mở một số đề xuất

Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững, việc áp dụng kế toán môi trường trong các DN là rất cần thiết. Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại, áp dụng kế toán môi trường sâu rộng vào cộng đồng DN, thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm triển khai một số nội dung sau:

Một là, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến môi trường và quản lý môi trường nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển hạch toán quản lý môi trường một cách rõ ràng và cụ thể. Trong đó, chú trọng đưa ra khái niệm và tiêu thức phân loại chi phí môi trường, làm căn cứ ghi nhận, đo lường, hạch toán và quản lý các chi phí này; Nghiên cứu xây dựng ngân hàng dữ liệu về môi trường quốc gia làm cơ sở cho quá trình hạch toán...

Hai là, phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp để ban hành những chuẩn mực về kế toán môi trường, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển ứng dụng hiệu quả kế toán môi trường nhằm tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Nghiên cứu bổ sung tài khoản kế toán, các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với hoạt động môi trường, các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động môi trường trong hệ thống báo cáo tài chính.

Ba là, chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực cho bộ máy kế toán, trong đó có kế toán môi trường. Đối với các DN trong giai đoạn đầu, nên thử nghiệm công tác kế toán môi trường tại một dây chuyền hoặc một bộ phận trước khi tiến hành áp dụng đại trà cho toàn bộ DN. DN cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện kế toán quản trị môi trường. Cụ thể, là thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ, trong đó chú trọng: Đào tạo chuyên môn kế toán quản trị và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong kế toán.

Bốn là, các cơ sở đào tạo có chuyên ngành kế toán cần đưa kế toán quản trị môi trường vào giảng dạy như một học phần chuyên sâu, tổ chức thành các chuyên đề để sinh viên trao đổi, thảo luận và rút ra kinh nghiệm cho bản thân, qua đó, tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác kế toán phục vụ cho DN, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, mang đến sự phát triển bền vững.

Tóm lại, môi trường đã trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết hiện nay, nhiều quốc gia đã gắn kết các vấn đề môi trường vào hệ thống kế toán truyền thống của DN đang được áp dụng. Kế toán môi trường tại Việt Nam là một lĩnh vực mới, có vai trò quan trọng đối với quản trị DN. Kế toán môi trường chỉ được phát huy tốt nhất khi thông tin kế toán môi trường được cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch, đảm bảo sự tin cậy cho người sử dụng. Vì vậy, các DN Việt Nam cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và nâng cao tầm quan trọng của kế toán môi trường trong DN.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2013), Thông tư số 45/2013/TT-BTC-hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;

2. Bùi Văn Trường (2010), Kế toán quản trị, NXB Lao động xã hội;

3. Nguyễn Đình Đỗ, Trương Thị Thuỷ, Nguyễn Trọng Cơ, Kế toán và phân tích chi phí giá thành trong doanh nghiệp”, NXB Tài chính;

4. Nguyễn Văn Công (2008), Kế toán doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;

5. Nguyễn Tuấn Duy, Đặng Thị Hòa (2010), Kế toán tài chính, NXB Thống kê;

6. Phan Đức Dũng (2010), Kế toán chi phí giá thành, NXB Thống kê;

7. Phạm Văn Được, Đặng Kim Cương (2010), Kế toán quản trị, NXB Thống kê;

8. Võ Văn Nhị (2010), kế toán tài chính, NXB Tài chính