Xây dựng hệ thống Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Kho bạc Nhà nước là một trong những cơ quan tiên phong trong cải cách tổ chức bộ máy và đổi mới quy trình nghiệp vụ, hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống hiện đại, hiệu quả và phục vụ tốt nhất cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Những thành tựu đạt được trong quá trình tinh gọn bộ máy của Kho bạc Nhà nước không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn thể hiện quyết tâm lớn của ngành trong việc đáp ứng các yêu cầu đổi mới ngày càng cao.

Thành quả ấn tượng trong công tác tinh gọn bộ máy
Trong những năm qua, hệ thống KBNN luôn chủ động, quyết liệt và đi đầu trong việc tinh gọn bộ máy gắn với cải cách quy trình nghiệp vụ nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách ngày càng tốt hơn.
Từ năm 2015 đến năm 2022, hệ thống KBNN đã tiến hành ba đợt rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng cộng, 2.332 đầu mối đã được cắt giảm, bao gồm một đơn vị sự nghiệp tương đương cấp vụ/cục, 260 cấp phòng, 73 KBNN cấp huyện và 1.998 cấp tổ đội. Đồng thời, hơn 650 vị trí lãnh đạo cấp phòng và 2.600 vị trí lãnh đạo cấp tổ đội cũng đã được tinh giản.
Số lượng biên chế của KBNN đã giảm 1.840 người, tương đương 11,8%, vượt mục tiêu 10% theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những con số này không chỉ thể hiện hiệu quả của quá trình tái cơ cấu mà còn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực cải cách không ngừng của KBNN trong nhiều năm qua.
KBNN đang triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng hệ thống tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và ứng dụng công nghệ hiện đại. Chiến lược này tập trung vào 2 trụ cột chính: kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Về kiện toàn bộ máy, KBNN tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản lý và điều hành.
Việc đổi mới quy trình nghiệp vụ, kết hợp với các giải pháp công nghệ hiện đại, sẽ đảm bảo hoạt động thông suốt và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị sử dụng ngân sách. Về phát triển nguồn nhân lực, KBNN chú trọng tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm, áp dụng cơ chế cạnh tranh minh bạch và chính sách đãi ngộ xứng đáng. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đạo đức tốt, vừa chuyên nghiệp và sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.
Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu
Trong bối cảnh yêu cầu đổi mới ngày càng cấp bách, KBNN không chỉ nhận thức rõ nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một bước đi chiến lược mà còn coi đây là trách nhiệm chính trị quan trọng. Theo Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ, quá trình này mang tính cách mạng, là nền tảng để KBNN xây dựng một hệ thống thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Ngay từ tháng 12/2024, Tổng Giám đốc KBNN đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc quán triệt chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy. Mọi cán bộ, công chức và viên chức được yêu cầu hiểu rõ vai trò của mình trong nhiệm vụ chung, đồng thời tạo dựng sự đồng thuận cao nhất để vượt qua các thách thức trong quá trình tái cơ cấu.
Đặc biệt, KBNN không chỉ tập trung vào việc tái cơ cấu trên lý thuyết mà còn chú trọng làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm quá trình chuyển đổi không chỉ diễn ra suôn sẻ mà còn đạt được hiệu quả tối ưu. Thủ trưởng các đơn vị trong toàn hệ thống được yêu cầu theo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đồng thời giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhằm duy trì sự ổn định và tinh thần cống hiến của đội ngũ nhân lực.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu, KBNN đã nhanh chóng thành lập Tổ nghiên cứu Đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy, hướng đến việc xây dựng KBNN thành đơn vị tương đương cấp Cục thuộc Bộ Tài chính. Tổ nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với chiến lược phát triển đến năm 2030.
Song song với việc xây dựng mô hình tổ chức, Tổng Giám đốc KBNN giao các đơn vị nghiệp vụ, nghiên cứu, điều chỉnh các quy trình nghiệp vụ để phù hợp với cơ cấu mới. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi sự kết hợp giữa chuyên môn sâu và tư duy đổi mới, nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt ngay sau khi tái cơ cấu. Phương án chuyển đổi dữ liệu cũng được xây dựng chi tiết, giúp các đơn vị trong toàn hệ thống vận hành một cách đồng bộ và hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở việc tái cơ cấu nội bộ, KBNN còn tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng các phương án tổ chức liên quan đến mô hình tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, và cơ sở vật chất. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong toàn hệ thống, không để bất kỳ khâu nào bị gián đoạn trong quá trình thực hiện.
Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Huệ khẳng định, mục tiêu cuối cùng của quá trình tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm đầu mối, cắt giảm biên chế mà còn hướng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của KBNN. “Chúng tôi quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này với mục tiêu hệ thống KBNN sau khi sắp xếp sẽ hoạt động thông suốt ngay và tốt hơn, không để ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng, bao gồm các cơ quan, doanh nghiệp và người dân” bà Trần Thị Huệ nhấn mạnh.
Với chiến lược phát triển rõ ràng và sự quyết tâm từ lãnh đạo đến cán bộ, KBNN đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một hệ thống tinh gọn, hiện đại và hiệu quả. Quá trình tái cơ cấu không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Sự nỗ lực không ngừng của KBNN là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm, ý chí đổi mới và khát vọng vươn xa của một trong những cơ quan trọng yếu trong hệ thống quản lý tài chính công của quốc gia.