Xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia đồng bộ, an toàn
Trong những năm qua, hệ thống kho dự trữ quốc gia đã từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa để sẵn sàng thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu với tình hình mới, cần xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Đã xây dựng mới 39 điểm kho theo quy hoạch
Những năm qua, hệ thống kho dự trữ quốc gia đã từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa, để sẵn sàng thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách xảy ra.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2020”, các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia theo lĩnh vực phụ trách. Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia đã cụ thế hóa từng điểm kho quy hoạch với quy mô công suất, cơ cấu hàng dự trữ, công nghệ bảo quản, nhu cầu đất, vốn đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư của từng dự án theo 2 giai đoạn (2011 - 2015; 2016 - 2020).
Trong quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia, các phương án thực hiện chi tiết cho từng điểm kho còn phù hợp với quy hoạch thì được cải tạo mở rộng nâng cấp; những điểm kho không còn phù hợp thì thanh lý hoặc chuyển mục đích sử dụng. Những điểm kho xây dựng mới có phương án sắp xếp lại nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Qua triển khai thực hiện Quy hoạch cho thấy, việc quy hoạch các điểm kho dự trữ quốc gia được phê duyệt đảm bảo phù hợp với quy hoạch vùng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với nhu cầu bảo quản, mức dự trữ của từng mặt hàng, nhóm hàng được giao.Đồng thời, vị trí kho được đặt các nơi cao ráo, thuận lợi về giao thông, thuận tiện cho việc xuất, nhập, bảo quản hàng dự trữ quốc gia khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Số liệu thống kê của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho thấy, đến nay, các bộ, ngành đã xây dựng mới được 39 điểm kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, Bộ Tài chính đã xây dựng được 23 điểm kho; Bộ Quốc phòng 3 điểm kho; Bộ Công an có 6 điểm kho, cải tạo nâng cấp 2 điểm kho; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 4 kho mới và bố trí 15 điểm kho; Bộ Công thương thuê 25 điểm kho; Bộ Y tế có 1 điểm kho.
Đến nay, công suất của các kho chứa lương thực, vật tư, hàng hóa là 961.545 m2 kho; kho chứa xăng dầu, thiết bị y tế là 1.551.000 m3 tấn. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2011-2020 đã được Quốc hội, Chính phủ bố trí khoảng 1.890 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 còn thấp (chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch phê duyệt); nguồn vốn bố trí cho cải tạo, sửa chữa kho còn hạn chế. Thực trạng này dẫn tới hệ thống kho dự trữ quốc gia hiện nay chưa đồng bộ, nhỏ lẻ, dàn trải, nhiều kho đã xuống cấp; một số bộ, ngành phải tận dụng nhiều kho cũ để chứa hàng dự trữ quốc gia. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động dự trữ quốc gia...
Nâng cao tiềm lực dự trữ quốc gia từ Quy hoạch tổng thể mới
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dự trữ quốc gia trong giai đoạn mới, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, quy hoạch vùng chiến lược kinh tế - xã hội, nhằm đảm bảo lâu dài, an toàn, ổn định hệ thống kho dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, hoạt động dự trữ quốc gia giai đoạn tới cần phải có định hướng, quan điểm và bố trí các điểm kho dự trữ quốc gia với tích lượng, công suất phù hợp từng vùng kinh tế chiến lược để chủ động thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia, hạn chế việc vận chuyển, giảm thời gian giao nhận hàng dự trữ quốc gia và phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Thực tiễn trên đòi hỏi việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 phải đáp ứng được các mục tiêu gồm:
Thứ nhất, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.
Thứ hai, bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
Thứ ba, bảo đảm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ tư, bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch. Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch và bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.
Thứ năm, gíup nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống kho dự trữ quốc gia và là cơ sở để xây dựng kế hoạch, giải pháp huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Thứ sáu, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống kho dự trữ quốc gia bảo đảm liên hoàn, đồng bộ, an toàn theo ngành, vùng lãnh thổ, tuyến chiến lược, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác bảo quản và quản lý hàng dự trữ quốc gia.
Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan và của đơn vị tư vấn, thời gian tới, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia giai đoạn mới, góp phần nâng cao tiềm lực dự trữ quốc gia, sẵn sàng xuất cấp các mặt hàng dự trữ quôc gia trong các tình huống đột xuất, cấp bách khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đến nay, các bộ, ngành đã xây dựng mới được 39 điểm kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, Bộ Tài chính đã xây dựng được 23 điểm kho, Bộ Quốc phòng 3 điểm kho, Bộ Công an có 6 điểm kho, cải tạo nâng cấp 2 điểm kho, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 4 kho mới và bố trí 15 điểm kho, Bộ Công thương thuê 25 điểm kho; Bộ Y tế có 1 điểm kho.