Xây dựng hướng dẫn kiểm toán việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập


Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới chỉ tổ chức lồng ghép kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trong các cuộc kiểm toán chuyên đề. Thời gian tới, để có thể tổ chức kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL bài bản hơn, KTNN cần xây dựng Hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực này

Kiểm toán Nhà nước cần xây dựng Hướng dẫn kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL. Ảnh tư liệu
Kiểm toán Nhà nước cần xây dựng Hướng dẫn kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL. Ảnh tư liệu

Chưa đánh giá được tổng thể tình hình cơ cấu lại từng giai đoạn

Theo CN. Nguyễn Đức Tín và ThS. Đỗ Huệ Tùng (KTNN khu vực V), hiện chưa có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nào được công bố ở trong và ngoài nước về vai trò của KTNN trong kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL.

Các kết quả kiểm toán liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL chỉ mới được KTNN thực hiện thông qua 2 cuộc kiểm toán Chuyên đề: Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018; việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Y tế và 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả kiểm toán 2 Chuyên đề đã góp phần tăng cường năng lực quản lý tại các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, các bệnh viện công lập và nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN.

Cụ thể, kết quả kiểm toán Chuyên đề Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018 chỉ rõ: Cơ sở pháp lý về tự chủ tại các trường đại học công lập chưa đồng bộ, quy định còn chồng chéo, việc tiếp cận cơ chế tự chủ còn nặng về các yếu tố tài chính; các khoản chi cho con người chiếm tới 55-65% tổng chi của cơ sở giáo dục đại học, trong khi tỷ lệ các khoản chi nhằm tạo nên tiềm lực phát triển và vị thế của các trường lại chưa được quan tâm đúng mức.

Theo đó, ngoài kiến nghị về xử lý tài chính, KTNN đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ sửa đổi 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các Bộ ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật, 2 thông tư hướng dẫn nhằm thực hiện thống nhất, toàn diện các mục tiêu của cơ chế tự chủ; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách về cơ chế tự chủ theo quy định; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, làm cơ sở cho việc xây dựng mức thu học phí…

Kết quả kiểm toán Chuyên đề Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 cho thấy, việc giao mức độ tự chủ của Bộ Y tế cho các đơn vị trực thuộc chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng khả năng tự chủ của đơn vị, mức độ tự chủ được giao thấp hơn mức độ đảm bảo một phần chi thường xuyên từ nguồn thu thực tế. Một số bệnh viện còn tình trạng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Nhiều bệnh viện tồn tại các khoản thu chưa có trong cơ cấu giá…

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi 1 thông tư, ban hành mới 7 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quản lý và tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và tài chính cũng như ban hành các hướng dẫn theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ cho các bệnh viện trên cơ sở có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; hoàn thiện cơ chế tài chính, đảm bảo tính hợp lý của các khoản thu…

Có thể thấy, KTNN đã đạt được một số kết quả trong kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công của các ĐVSNCL tại các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, do từ trước đến nay chưa thực hiện kiểm toán chuyên sâu về việc cơ cấu lại ĐVSNCL nên KTNN chưa đánh giá được một cách tổng thể, bài bản tình hình, tiến độ thực hiện các mục tiêu và việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cơ cấu lại ĐVSNCL trong từng giai đoạn; chưa xác định những nguyên nhân, bất cập, vướng mắc có ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của từng giai đoạn để có kiến nghị đối với Bộ, ngành, địa phương được kiểm toán nhằm hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại ĐVSNCL cho các giai đoạn tiếp theo.

Xác định mục tiêu, nội dung, trọng yếu và phương pháp kiểm toán

Theo nhóm nghiên cứu, nhằm hoàn thiện tổ chức kiểm toán việc cơ cấu lại ĐVSNCL, thời gian tới, KTNN cần xây dựng Hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực này theo hướng xác định rõ một số vấn đề sau:

Thông tin cần thu thập: Công tác tổ chức tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL… Các thông tin này sẽ được trình bày cụ thể hơn gắn với từng nội dung kiểm toán.

Mục tiêu kiểm toán: Xác định dựa trên đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động cơ cấu lại ĐVSNCL; chỉ ra các hạn chế trong việc cơ cấu lại ĐVSNCL để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị; cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình cơ cấu lại ĐVSNCL.

Xác định rủi ro kiểm toán: Thứ nhất, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ: chủ yếu dựa vào môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của đơn vị được kiểm toán, hệ thống thông tin và hoạt động kiểm soát. Thứ hai, xác định rủi ro kiểm toán: Căn cứ hướng dẫn Chuẩn mực KTNN về rủi ro có sai sót trọng yếu, các quy định hiện hành về cơ cấu lại ĐVSNCL và thực tế hoạt động của các ĐVSNCL được kiểm toán thời gian qua, các rủi ro có sai sót trọng yếu được đánh giá gồm: Rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát.

Xác định trọng yếu kiểm toán: Kiểm toán việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đảm bảo theo chủ trương của cấp thẩm quyền và công tác quản lý biên chế; việc chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; việc ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá…

Nội dung kiểm toán: Khi tổ chức cuộc kiểm toán, KTNN có thể xây dựng một số nội dung kiểm toán tổng hợp chính tại các cơ quan Trung ương (Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính) và các đơn vị đầu mối tại địa phương (Sở Nội vụ và Sở Tài chính).

Phương pháp kiểm toán: Phương pháp kiểm toán cơ bản và Phương pháp kiểm toán tuân thủ./.

Theo Báo Kiểm toán