Xây dựng nông thôn mới: Cần sự đồng thuận cao của người dân


Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, xây dựng NTM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chính quyền và nhân dân phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.

Đường giao thông nông thôn xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) được bê tông hóa.
Đường giao thông nông thôn xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) được bê tông hóa.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk chung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả Chương trình MTQG về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nên từ năm 2011 khi bắt đầu Chương trình MTQG xây dựng NTM đã gặp nhiều khó khăn.

 Sau 12 năm thực hiện, tỉnh Đắk Lắk đã huy động được nhiều nguồn lực, tập trung vào những lĩnh vực mang tính đột phá như: phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, đường điện), giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự...

Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh có 74/151 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại bình quân đạt 15,7 tiêu chí/xã; xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đạt chuẩn NTM nâng cao và 1/15 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM. Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 100 xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM; trong đó 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Phóng viên: Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới và ở mức độ cao hơn. Nhiều tiêu chí được nâng lên khiến các địa phương gặp không ít thách thức. Trong đó, tiêu chí môi trường đang là "rào cản". Xin ông cho biết hướng giải quyết nội dung này như thế nào?

Quá trình xây dựng NTM, hầu hết các xã đều bị vướng tiêu chí môi trường. Nguyên nhân là do tiêu chí này có nhiều nội dung khó thực hiện như: nước thải, rác thải sinh hoạt, nước sạch, cây xanh, cảnh quan môi trường… Việc thực hiện các nội dung này cần có thời gian, kinh phí và đặc biệt là sự đồng thuận cao của người dân.

Để môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, UBND các xã cần triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn; hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết như: thùng phân loại rác, nắp đậy hố rác, chế phẩm sinh học và hướng dẫn các hộ dân cách thực hiện mô hình hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; biểu dương những mô hình làm tốt việc thu gom, xử lý chất thải để nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt...

Phóng viên: Nhân sự chuyên trách có vai trò quan trọng trong chương trình xây dựng NTM. Song, hiện nay một số địa phương vướng mắc trong việc kiện toàn văn phòng điều phối NTM cấp huyện. Tỉnh có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn này, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Văn phòng điều phối NTM cấp huyện được đặt tại Phòng NN&PTNT (hoặc Phòng Kinh tế). Các huyện đã bố trí từ 1 - 2 công chức theo chế độ kiêm nhiệm trong tổng biên chế được giao. Cùng với tham mưu về chương trình NTM, các công chức này còn phải kiêm nhiệm nhiều chuyên môn khác nên hiệu quả công việc chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả chương trình.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn văn phòng điều phối NTM cấp huyện, trên cơ sở nhân sự đã có của giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với chức năng, nhiệm vụ được giao trước đó, hiện nay văn phòng điều phối NTM cấp huyện được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ mới là tham mưu, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, trong đó trọng tâm là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tuy nhiên, do khối lượng công việc của các phòng chuyên môn cấp huyện nhiều, biên chế được giao ít nên việc bố trí công chức làm việc tại văn phòng điều phối NTM cấp huyện gặp nhiều khó khăn. Các địa phương không bố trí được công chức chuyên trách làm việc tại văn phòng điều phối NTM cấp huyện, phần lớn công chức phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.

Do đó, việc quản lý, theo dõi, tổng hợp báo cáo và tham mưu đôi lúc chưa kịp thời, ảnh hưởng tiến độ xây dựng NTM của địa phương. Trước tình trạng này, Sở NN&PTNT Đắk Lắk  đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương để xem xét và sớm giải quyết vấn đề nhân lực, biên chế.

Phóng viên:  Xin cảm ơn ông!

Theo Như Quỳnh/Báo Đắk Lắk