Xây dựng pháp luật thời 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội, làm nảy sinh những vấn đề mới về pháp lý. Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng pháp luật chắc chắn cần phải thay đổi toàn diện, cả nội dung lẫn hình thức.
Pháp luật và… rô-bốt
Hãy thử bàn về chính sách lao động. Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và sẽ còn tiếp tục tạo ra cục diện mới, nếu không muốn nói là một cuộc khủng hoảng trên thị trường lao động, đặc biệt với một đất nước dồi dào nguồn nhân lực như Việt Nam.
Cuối năm 2017, Ban Kinh tế Trung ương phát hành một báo cáo chi tiết về chủ đề “Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Một trong những vấn đề đáng quan ngại mà báo cáo đưa ra là việc, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam được cho là có nguy cơ bị máy móc đào thải với tỷ lệ cao nhất khu vực ASEAN. Sẽ có tới 74% số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, dễ bị thay thế do tự động hóa - nghĩa là cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Phi-li-pin (54%), Thái-lan (58%) và In-đô-nê-xi-a (67%). Tất nhiên, ở chiều ngược lại, CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra một số việc làm nhưng đòi hỏi lao động phải có trình độ và kỹ năng nhất định.
Điều này có nghĩa là hệ thống chính sách giáo dục cần thay đổi, nếu không muốn xảy ra tình trạng lao động chỗ thì thiếu, chỗ lại thừa. TS Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, người từng có chất vấn được coi là “lạ” tại kỳ họp thứ ba về vấn đề này và sau đó trực tiếp đề nghị Thủ tướng có một chiến lược phát triển cho Việt Nam trong CMCN 4.0 - cho biết: Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu được kết nối từ in-tơ-nét với vạn vật đã và đang biến đổi hiện thực xã hội ở nhiều quốc gia. Ở Thụy Điển, người ta đã bổ nhiệm trí tuệ nhân tạo làm quản lý DN. Ở A-rập Xê-út, người ta đã cấp quyền công dân cho người máy mang trí tuệ nhân tạo.
Như thế, chính sách an sinh xã hội cũng sẽ phải thiết kế khác đi, khi những người-lao-động-rô-bốt không xin nghỉ ốm, nghỉ phép vì việc hiếu hay sự hỷ, nhưng lại có thể đồng loạt… hỏng. Thêm vào đó, cơ chế nào để giải quyết những bức xúc có thể nảy sinh giữa người lao động với quản lý DN (là trí tuệ nhân tạo) nên hành xử chỉ theo lý mà chẳng xét đến tình?!
Một thí dụ khác: Cuộc tranh cãi về hoạt động của ta-xi công nghệ Uber và Grab vẫn chưa đến hồi kết. Dù rằng, với động thái mới nhất là Grab đã chính thức thâu tóm Uber tại Đông - Nam Á, chính quyền các nước ở khu vực này, trong đó có Việt Nam, chỉ còn phải đau đầu với một cái tên, nhưng vướng mắc thì vẫn còn nguyên đó!
Hay chính sách sở hữu trí tuệ. Không đợi đến thời công nghiệp 4.0 thì sở hữu trí tuệ mới cần quan tâm, nhưng những khoảng trống pháp luật hoặc quy định lỏng lẻo, bất nhất về sở hữu trí tuệ (cộng với quá trình thực thi không nghiêm túc ở đâu đó) sẽ dập tắt động lực phát triển của nền kinh tế 4.0. Trong khi đó, nói như GS, TSKH Nguyễn Mại: “Mỹ rút ra khỏi Hiệp định TPP, nên trong CPTPP những điều khoản về sở hữu trí tuệ tạm được gác lại, chứ không thì những điều khoản về lĩnh vực này chắc chắn sẽ khiến chúng ta gặp khó”.
Cơ chế xây dựng pháp luật phải thay đổi như thế nào?
Không khó để đạt được sự thống nhất về việc hệ thống luật pháp cần được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một cách căn bản để phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão. Nhưng sửa đổi cụ thể như thế nào là một phạm trù quá rộng. Ở đây chỉ bàn đến những vấn đề chung về cách thức xây dựng pháp luật.
Để thích nghi với CMCN 4.0, quy trình lập pháp hoàn toàn có thể và cần dựa trên những ứng dụng tiến bộ của công nghệ mới, từ xác lập quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động lập pháp cho đến phân tích, sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin để lựa chọn những quan hệ xã hội căn bản trong việc xác lập các quy tắc xử sự chung có tính nền tảng…
Hiện nay, quy trình lập pháp của Quốc hội nước ta đang được triển khai theo cách làm khá truyền thống, dựa trên các quy định của Hiến pháp và các đạo luật về tổ chức nhà nước. Theo đó, quy trình này chủ yếu được tiến hành bởi con người và do con người là chủ yếu.
“Nếu ứng dụng công nghệ mới về thông tin và khai thác cơ sở dữ liệu toàn diện cũng như với sự hỗ trợ tích cực của trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể rút ngắn quy trình này và tiết giảm được rất nhiều thời gian”, TS Lê Thanh Vân nhận định. Cũng theo ông Vân, nếu sử dụng tốt phương tiện công nghệ trong việc xác lập quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và lịch trình của các chủ thể có liên quan trong việc xây dựng một dự án luật, kết nối với máy tính của từng ĐBQH, thì Quốc hội dễ dàng kiểm soát được trạng thái, tiến độ hoạt động của mỗi chủ thể một cách thường xuyên. Như vậy, các dự án luật đã được theo dõi, giám sát chặt chẽ ngay từ khi Quốc hội giao trách nhiệm cho các ban soạn thảo. Mặt khác sẽ dễ dàng xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình soạn thảo. Đây là áp lực rất lớn khiến cho những ai chây ỳ, đứng ngoài cuộc phải tự nỗ lực để làm tròn trách nhiệm được giao, nếu không, tự kết quả ấy sẽ quyết định đánh giá tín nhiệm của họ, thậm chí có thể loại họ ra khỏi cương vị đang đảm nhiệm.
Hiện nay, các đạo luật vẫn đang được xây dựng dựa trên các đề xuất của các chủ thể có quyền sáng kiến pháp luật, phần lớn là cơ quan hành pháp và khó tránh khỏi hạn chế về tầm nhìn chiến lược, ấy là chưa nói đến sự “cài cắm” chính sách của các nhóm lợi ích...
Nếu Quốc hội chủ động ứng dụng công nghệ mới, dựa trên sự phân tích cơ sở dữ liệu toàn diện của từng lĩnh vực, được tiến hành bởi trí tuệ nhân tạo, thì tình hình sẽ rất khác. Chẳng hạn, trong nông nghiệp, nếu xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện về các yếu tố địa lý, thổ nhưỡng, nguồn nước, đa dạng sinh học, với đầy đủ chỉ dẫn địa lý của từng xã, thôn, định hình các yêu cầu quản lý…, thì việc lựa chọn ưu tiên phát triển ngành sản xuất nào, ở địa bàn nào, theo phương thức nào, tiêu thụ ở đâu, hiệu quả ra sao là vấn đề không quá khó. Lúc ấy, việc xác định thứ bậc ưu tiên và tác động chính sách trong các đạo luật sẽ trở nên khoa học, minh bạch và khách quan hơn nhiều.