Xây dựng thị trường thế chấp thứ cấp bất động sản
(Tài chính) Sẽ nghiên cứu xây dựng thị trường thế chấp thứ cấp (tái thế chấp) bất động sản, có sự hỗ trợ và kiểm soát của Nhà nước để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng.
Theo đề án phát triển thị trường bất động sản Bộ Xây dựng mới đề xuất lên Chính phủ có đưa ra những giải pháp để thúc đẩy thị trường này phát triển. Trong đó biện pháp được kể đến là giải quyết nguồn tài chính, tín dụng.
Theo đề xuất của Bộ, thị trường sẽ hình thành và tạo điều kiện để các định chế tài chính phát triển nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường bất động sản, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt để tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản
Chính phủ sớm bổ sung hành lang pháp lý và tổ chức triển khai việc hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản (REIT), quỹ tiết kiệm nhà ở... Nghiên cứu bổ sung cơ chế cho phép đưa bất động sản đáp ứng danh mục quỹ đầu tư bất động sản để hình thành quỹ đầu tư bất động sản.
Nghiên cứu xây dựng thị trường thế chấp thứ cấp (tái thế chấp) bất động sản, có sự hỗ trợ và kiểm soát của Nhà nước để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng. Thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở làm công cụ để Chính phủ điều tiết và thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính nhà ở tại Việt Nam.
Theo Bộ, cần hoàn thiện chính sách tín dụng cho thị trường bất động sản: Xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng linh hoạt tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng thương mại có thể huy động được các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để cung cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, đồng thời hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập trung bình, ổn định có khả năng mua nhà ở.
Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy trình về tín dụng bất động sản, có nhiều sản phẩm tín dụng đa dạng, phù hợp với đặc điểm của tín dụng bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở; xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, quy định tỷ lệ an toàn giữa dư nợ bất động sản với tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay với số huy động để đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng “bong bóng“ bất động sản;
Xây dựng cơ chế thông tin, báo cáo giữa các định chế tài chính có hoạt động tín dụng bất động sản với Ngân hàng Nhà nước, với Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản để nắm bắt chính xác các thông tin về hoạt động tín dụng bất động sản và có giải pháp, định hướng kịp thời đảm bảo tín dụng bất động sản an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, tổ chức tốt hệ thống thông tin liên thông giữa các ngân hàng về thị trường bất động sản để kiểm soát đảm bảo tính an toàn hệ thống, nhất là tỷ lệ cho vay và việc đầu tư nội bộ; xây dựng hành lang pháp lý, các nguyên tắc, tiêu chí cho việc tính tín điểm dụng. Trong đó, có tính điểm tín dụng bất động sản với hệ thống ngân hàng thương mại; Xây dựng và giới thiệu công khai với các tổ chức, cá nhân các sản phẩm tín dụng linh hoạt, đa dạng phục vụ nhu cầu vay vốn của các tổ chức cá nhân để kinh doanh, tạo lập bất động sản; Hoàn thiện cơ chế, quy trình thủ tục, chế tài cho việc xử lý tài sản đảm bảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo một cách nhanh chóng, đúng pháp luật.