Xe máy bán chậm, nhiều hãng giảm giá
Thị trường đô thị đã bão hòa sức mua, nhiều hãng xe máy giảm giá để giữ khách.
Ông Keisuke Tsuruzono, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, 2 quý đầu năm 2019, 5 thành viên của VAMM tại Việt Nam là Công ty Honda, Công ty Piaggio, Công ty Suzuki, Công ty SYM và Công ty Yamaha Motor cùng công bố doanh số bán hàng giảm 4,39% so với cùng kỳ năm 2018.
Trên toàn thị trường Việt Nam, đến tháng 8/2019 này đã không còn hiện tượng các đại lý bán hàng nâng giá bán các mẫu xe mới được ưa chuộng (cao hơn so với giá công bố của doanh nghiệp xe máy). Thậm chí, nhiều hãng xe giảm số lượng hàng mới và giảm cả giá bán trên thị trường từ đầu tháng 8/2019, do sức mua sụt giảm tổng thể.
Trong các báo cáo doanh số bán xe của doanh nghiệp thành viên VAMM từ đầu năm 2019 đến nay đều bằng hoặc giảm hơn cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, hãng xe Suzuki tăng doanh số 4,7% (là thương hiệu xe máy duy nhất tăng doanh số), Honda ổn định không tăng không giảm, Yamaha sụt giảm đến 22,8%, SYM giảm 12,1%, Piaggio giảm 9,3%...
Nguyên nhân sự sụt giảm này là do thị trường tiêu thụ xe máy Việt Nam đang vào giai đoạn bão hòa và chuyển hướng sử dụng sang các loại phương tiện khác như xe điện, ô tô. Tuy nhiên, VAMM cũng dự báo tự tin, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam hiện đứng thứ tư thế giới, trong khi dân số Việt Nam đang tăng nhanh đến mốc trên 100 triệu người.
Thị trường nông thôn Việt Nam chiếm trên 60% dân số, nhiều tỉnh, thành (nhất là khu vực miền Đông và Tây Nam bộ) có đường giao thông nông thôn thuận tiện và phù hợp phương tiện xe máy, nên việc tiêu thụ xe máy vẫn còn dư địa phát triển, với số lượng xe tuy không tăng, nhưng cũng ở mức từ 3,1 - 3,38 triệu xe, bằng năm 2018.