Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
Xem xét, giải quyết các gói chính sách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế
Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'', Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt hoan nghênh và nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương; các vị đại sứ đại diện các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các vị đại biểu Quốc hội các thời kỳ; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, doanh nhân… đã đến tham dự “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững''.
Trong 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng chống, dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho tiết, để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau. Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ của Việt Nam theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4%, thấp hơn một chút so với mức bình quân của các nước trên thế giới. Đối với các nước đang có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, cỡ khoảng 4,3%, Việt Nam là khoảng 4% GDP của năm 2020, trong đó gói về tài khóa là khoảng 2,9 %, gói về tiền tệ là khoảng 1,1 %.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 02 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, tại diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học sẽ cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới-giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới.
Đồng thời, các diễn giả cũng sẽ chia sẻ kinh nhiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'' có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII của Đảng và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.
Trước đó, với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh đó, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay tập trung vào “Phục hồi và phát triển bền vững”, nhằm có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, khẳng định Quốc hội tiếp tục chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.