Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”
Sáng ngày 5/12, "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” chính thức được khai mạc. Diễn đàn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 2 điểm cầu Trung ương kết nối với 57 điểm cầu trên cả nước cùng 03 điểm cầu quốc tế tại Mỹ, Pháp và Thái Lan.
"Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức.
Tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Diễn đàn; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tham dự Diễn đàn kinh tế còn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các Ban, bộ ngành và đoàn thể ở trung ương; các đồng chí lãnh đạo các địa phương; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội.
Về phía khách mời quốc tế tham dự Diễn đàn có: Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam; Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam; Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; Bà Mashimot Makiko - Chuyên gia về Việc Làm – Văn phòng ILO Khu vực châu Á Thái Bình Dương; cùng các vị đại diện Đại sứ quán một số nước, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, cán bộ của các tổ chức quốc tế các bộ, ban ngành cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học nhà kinh tế tại các điểm cầu trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Diễn đàn sẽ tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia của tất cả các ngành, lĩnh vực và các địa phương cùng đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, các nhà hoạch định và thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này mở rộng về nội dung, quy mô. Qua Diễn đàn, Đảng, Quốc hội, Chính phủ lắng nghe ý kiến tâm huyết, toàn diện từ đại diện các cơ quan quyết định chính sách, hoạch định chính sách cũng như thực thi chính sách. Diễn đàn đa chiều, tương tác đề cập không chỉ về các vấn đề kinh tế vĩ mô, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả...
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch COVID-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của COVID-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam...
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự sẽ tập trung thảo luận về tình hình thế giới, các phân tích đánh giá xu hướng dịch bệnh của thế giới và những tác động đến kinh tế vĩ mô, động lực tăng trưởng của Việt Nam. Những kinh nghiệm quốc tế cũng được thảo luận về phòng chống dịch, kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các gợi ý chính sách.
Diễn đàn cũng sẽ trao đổi, giải đáp câu hỏi huy động nguồn lực từ đâu, khi mà thị trường huy động vốn trung và dài hạn còn hạn chế; việc phân bổ sử dụng nguồn lực thế nào; giải đáp câu hỏi năng lực hấp thụ khi nền kinh tế vẫn còn có điểm nghẽn, vướng mắc như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công...
Qua tương tác với ý kiến của đông đảo giới khoa học, học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhân dân và cử tri cả nước, Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện các vấn đề đang đặt ra, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.