Ngân hàng số trên đà tăng tốc
“Công nghệ số đang dần thay đổi hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết tại hội thảo “Số hóa ngân hàng - cơ hội đột phá” sáng 1/11. Khoảng 94% ngân hàng trong nước đang tiến hành chuyển đổi số và hiện đã có công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) có thể thẩm định món vay chỉ trong 5 phút.
Làn sóng số hóa đang ập đến
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang khiến các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ trên thế giới ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, trong chuyển đổi số hiện nay, khẩu hiệu của nhiều ngân hàng trên thế giới là 3 - 1 - 0.
Theo đó, ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ online với trải nghiệm tốt để khách hàng có thể tiếp cận món vay và đăng ký trong 3 phút. Trong vòng 1 giây, hệ thống sẽ trả lời có đồng ý tiếp nhận món vay hay không. Và không (0) có con người tham gia vào quá trình xử lý khoản vay.
“Nếu thực hiện được 3 con số đó thì chúng ta trở thành ngân hàng số hoàn chỉnh”, ông Dũng nói và giải thích thêm: Số hóa toàn bộ một ngân hàng từ việc số hóa các sản phẩm, dịch vụ tương tác trực tiếp với khách hàng tới việc tự động hóa quy trình xử lý nội bộ.
Ngân hàng số cho phép giao dịch ngân hàng theo hướng nâng cao trải nghiệm, gồm cả trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm cung cấp dịch vụ. Cụ thể, khách hàng có thể tự giao dịch theo thời gian thực, trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Về phía ngân hàng có khả năng cung ứng dịch vụ theo yêu cầu nhờ xử lý tự động xuyên suốt.
Theo kết quả khảo sát của NHNN, đến tháng 4/2018, có 94% ngân hàng trong nước đang tiến hành chuyển đổi số, trong đó, có khoảng 42% tổ chức tín dụng coi ngân hàng số là chiến lược kinh doanh. 5 năm vừa qua, thanh toán qua mobile banking đã tăng trưởng rất mạnh, đạt mức 144%/năm.
Trong khi đó, các hình thức thanh toán truyền thống khác chỉ tăng trưởng 40%. Vì vậy, có thể coi có một làn sóng về số hóa đang ập đến đối với ngành tài chính - ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng nhận định.
Ông cũng cho biết thêm, ở nước ta hiện đã có công ty Fintech có thể thẩm định món vay chỉ trong 5 phút. “Chỉ trong 5 phút họ có thể trả lời anh là ai, có nên cho anh vay hay không, toàn bộ bằng máy hết”, ông nói.
Chuẩn bị để đón sóng
Ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ của IBM Việt Nam cho rằng, ngành ngân hàng toàn cầu đang trải qua biến đổi chưa từng thấy và đang phải thay đổi để đáp ứng với những biến đổi này.
Ông cũng chỉ ra rằng, hầu hết ngân hàng ở Việt Nam đang ở trạng thái chuyển đổi kỹ thuật số, nghĩa là tích hợp nhiều quy trình số khác nhau để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm có tính “cá thể hóa”.
Trong khi đó, ngân hàng toàn cầu đang đi trước trong hành trình này vì họ đang ở trong trạng thái tái tạo số, nghĩa là xác định lại căn bản cách thức mà ngân hàng tương tác với khách hàng và các bên liên quan khác.
Nhưng dù ở giai đoạn nào thì “sự thích nghi của các quy định để phù hợp với các lợi ích do các nền tảng số mang lại”cũng hết sức quan trọng.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN đã và đang chủ động thực hiện nhiều hoạt động để ngành ngân hàng thích nghi kịp với cách mạng 4.0.
Trong đó, NHNN đặc biệt chú trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm, định hướng chính sách nhằm tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh bảo mật cho ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ tài chính.
Cụ thể hơn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Phạm Tiến Dũng đưa ra hai đề xuất chính sách. Một là, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm...
Hai là, Chính phủ chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan về bảo mật dữ liệu người dùng, an ninh, an toàn thông tin nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an toàn, tin cậy.
Về phía ngân hàng cần chuẩn bị 5 yếu tố chính để đón nhận làn sóng mới này, đó là mô hình tổ chức quản trị, lấy khách hàng làm trung tâm, thiết kế sản phẩm dịch vụ, an toàn bảo mật, nguồn nhân lực.