Xu hướng lạm phát thế giới: Tác động và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

TS. Trần Thị Mai Thành - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nộ

Lạm phát thế giới tăng cao vào năm 2022, sụt giảm vào năm 2023 và được dự báo có xu hướng tiếp tục giảm trong năm 2024. Khi lạm phát thế giới suy giảm, áp lực và rủi ro lạm phát lên các nền kinh tế lớn không còn cao nữa thì ngân hàng trung ương các nước như Mỹ, Liên minh châu Âu… sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn. Lãi suất sẽ giảm, thị trường chứng khoán khởi sắc, hoạt động đầu tư và tiêu dùng tăng, tổng cầu tăng, sản lượng, việc làm và thu nhập có sự gia tăng đồng thời. Nghiên cứu này gợi mở một số chính sách cho Việt Nam.

Diễn biến lạm phát và những tác động đến nền kinh tế thế giới thời gian qua

Lạm phát là chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng đo lường mức độ ổn định của nền kinh tế. Lạm phát thấp, thường đi kèm với mức độ biến động nhỏ là tín hiệu quan trọng cho thấy một nền kinh tế là ổn định. Ngược lại, lạm phát cao, thường đi kèm với đó là mức độ biến động lớn cho thấy nền kinh tế đang bất ổn.

Giai đoạn 2011-2020, lạm phát thế giới có xu hướng giảm và giữ ổn định. Tuy nhiên, năm 2021, lạm phát tăng mạnh lên 3,5% từ 1,9% năm 2020. Năm 2022, lạm phát vọt lên mức cao đỉnh điểm trong nhiều năm, đạt 8% và giảm xuống còn 5,9% vào năm 2023.

Hình 1: Diễn biến tỷ lệ lạm phát thế giới (%)

Nguồn: Ngân hàng Thế giới
Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Đầu năm 2022, Nga tấn công Ukraine. Cuộc chiến Nga – Ukraine đã làm cho giá dầu, giá khí đốt và giá lương thực thế giới tăng cao. “Bóng ma” lạm phát do giá dầu thế giới tăng mạnh làm gợi nhớ đến thời kỳ những năm 1973, khi giá dầu thế giới tăng mạnh do xung đột tại khu vực Trung Đông làm nền kinh tế thế giới rơi vào hiện tượng đình lạm (có nghĩa là lạm phát cao đi kèm với hoạt động sản xuất đình đốn, trì trệ). Cú sốc giá dầu bắt nguồn từ Trung Đông trong quá khứ luôn là yếu tố quan trọng góp phần vào lạm phát toàn cầu tăng mạnh và gây ra suy thoái kinh tế. Vì thế, diễn biến lạm phát trong năm 2022-2023 là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn trên thế giới, cuộc chiến Nga – Ukraine làm các nước Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) thực hiện trừng phạt Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga. Nhập khẩu dầu từ Nga qua đường biển đã có sự sụt giảm mạnh kể từ khi Nga thực hiện tấn công Ukraine (Đức Anh, 2022). Một số nước châu Âu như Đức đã phần nào chủ động cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga. Lượng cung khí đốt châu Âu giảm làm cho giá khí đốt châu Âu tăng cao, nhất là trong mùa đông khi mà nhu cầu sử dụng khí đốt gia tăng.

Bên cạnh đó, Ukraine và Nga là 2 quốc gia sản xuất lương thực lớn của thế giới. Ukraine là quốc gia xuất khẩu lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương lớn trên thế giới, cuộc chiến tranh với Nga đã làm giảm lượng xuất khẩu một số mặt hàng nông nghiệp này và làm giá lương thực thế giới gia tăng (Bảo Duy, 2022). Như vậy, cuộc chiến Nga – Ukraine đã đẩy giá một số loại đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất và cuộc sống người dân tăng mạnh, đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức cao, từ mức 3,5% năm 2021 và tăng mạnh lên 8% năm 2022.

Phản ứng trước sự gia tăng mạnh của tỷ lệ lạm phát, ngân hàng trung ương nhiều nước lớn như Mỹ, EU hay Nhật Bản đã điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất trong năm 2022 để hạ nhiệt lạm phát. Các ngân hàng trung ương của EU hay Nhật Bản cũng thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Động thái chính sách tiền tệ này làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động đầu tư (lãi suất tăng làm tăng chi phí cho hoạt động sản xuất vì thế đầu tư giảm) và tiêu dùng (ở những phần nhạy cảm với lãi suất, chẳng hạn như mua nhà ở hay mua ô tô và các mặt hàng lâu bền khác thường được tài trợ mua qua việc vay vốn). Đầu tư và tiêu dùng giảm làm giảm tổng cầu của các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU và Nhật Bản. Trong khi đó, các nước này chiếm vị trí quan trọng trong tiêu dùng và đầu tư toàn cầu, tổng cầu của các nền kinh tế này giảm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.

Tổng cầu giảm đã làm thu hẹp sản lượng. Tăng trưởng kinh tế thế giới có sự suy giảm mạnh từ 6,3% năm 2021 xuống còn 3,5% năm 2022. Tăng trưởng kinh tế của khối EU giảm từ 5,9% năm 2021 xuống còn 3,6% năm 2022; tăng trưởng của Mỹ giảm từ 5,9% năm 2021 xuống còn 2,1% năm 2022.

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn như giá cả tăng cao hay khủng hoảng tài chính, những người nghèo thường là nhóm người chịu tác động tiêu cực mạnh hơn cả vì công cụ phòng hộ hạn chế, nguồn lực tài chính, nguồn lực dự phòng hay các khoản tiết kiệm ít ỏi, do đó chỉ cần gặp phải cú sốc kinh tế hay phi kinh tế là làm cho nhóm người có thu nhập thấp rơi vào trạng thái vô cùng khó khăn. Ngược lại, tầng lớp trung lưu luôn có công cụ dự phòng hoặc có các khoản tiết kiệm dư dả, vì thế, những cú sốc tạm thời như thời kỳ lạm phát tăng cao, đại dịch COVID-19 hay khủng hoảng tài chính (ngắn hạn) ít khi làm khó được họ hoặc mức độ gây nên khó khăn cũng được giảm bớt nhờ các khoản dự phòng tiết kiệm. Theo đó, cú sốc kinh tế như tỷ lệ lạm phát tăng ảnh hưởng đến người nghèo lớn hơn, làm rộng khoảng cách giàu nghèo, gia tăng bất bình đẳng, tiếp đó là bất ổn xã hội.

Năm 2023, tỷ lệ lạm phát trên thế giới có sự suy giảm từ 8% năm 2022 xuống còn 5,9%. Sự suy giảm này có nhiều nguyên nhân, trong đó là sự điều chỉnh linh hoạt và thích ứng nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu trước việc nguồn cung dầu thô và khí đốt từ Nga suy giảm. Cuộc cách mạng công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã làm giảm chi phí khai thác và tăng công suất, do đó làm tăng sản lượng khai thác dầu và khí đốt của Mỹ. Sau cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, với lệnh trừng phạt và cấm vận của các nước phương Tây, các nước phương Tây giảm tiêu thụ dầu và khí đốt từ Nga, tăng lượng nhập khẩu từ Mỹ. Mỹ cũng đã gia tăng sản lượng sản xuất và Nga chuyển xuất khẩu sang 2 nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ cũng giúp cho giá dầu, khí đốt và năng lượng nói chung trên thế giới giảm nhiệt, góp phần vào giảm lạm phát năm 2023.

Khi tỷ lệ lạm phát giảm, ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn cũng có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ đã có những điều chỉnh hướng nhiều hơn đến tăng trưởng sản lượng, việc làm vì áp lực và rủi ro của lạm phát lên nền kinh tế đã giảm.

Dự báo xu hướng lạm phát thế giới 2024 và một số gợi mở chính sách cho Việt Nam

Dự báo xu hướng lạm phát thế giới

Lạm phát cơ bản thế giới đang trên đà suy giảm và dự báo tiếp tục giảm xuống 4,8% năm 2024 (Thanh Tuấn, 2023). Lạm phát được dự báo có xu hướng giảm dần cho dù cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và bất ổn khu vực Trung Đông đang ngày càng phức tạp. Nếu như trong bối cảnh trước đây (như bối cảnh giá dầu tăng cao năm 1973), các yếu tố này sẽ đẩy giá dầu thế giới tăng cao kéo dài thì hiện nay bối cảnh toàn cầu đã có những thay đổi căn bản, làm cho hoạt động sản xuất thích ứng hiệu quả hơn trước các cú sốc dầu mỏ (IMF, 2024).

Hình 2: Tăng trưởng kinh tế thế giới (%)

Nguồn: IMF
Nguồn: IMF

Thứ nhất, kể từ khi có cuộc cách mạng về công nghệ khai thác dầu đá phiến, nước Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và hoàn toàn nắm vị thế chủ động trong việc tăng giảm sản lượng dầu thế giới. Nên khi Nga giảm lượng xuất khẩu sang châu Âu hay bất ổn Trung Đông làm sản lượng xuất khẩu dầu suy giảm thì Mỹ vẫn có thể chủ động gia tăng sản xuất để bù đắp sản lượng dầu thiếu hụt. Sự đa dạng trong nguồn cung dầu mỏ từ các nước Trung Đông, Nga và Mỹ làm cho những rủi ro khu vực hay địa chính trị đến giá dầu giảm mạnh.

Thứ hai, nguồn năng lượng đang được đa dạng hơn. Thay vì dựa phần lớn vào dầu như trước đây thì các quốc gia đã chuyển đổi phương thức sang các nguồn năng lượng xanh, sạch thay thế như năng lượng mặt trời, gió, sóng biển.

Như vậy, cuộc chiến Nga – Ukraine hay bất ổn tại Trung Đông sẽ khó làm cho giá dầu tăng cao, cùng với xu hướng sử dụng năng lượng mang yếu tố bền vững hơn, thân thiện với môi trường hơn sẽ càng làm cho tỷ lệ lạm phát (do chi phí đẩy) có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Một số gợi mở chính sách cho Việt Nam

Lạm phát thế giới tăng cao và nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã đem lại những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19, từ 2,56% năm 2021 lên 8,02% năm 2022 nhưng sau đấy lại sụt giảm xuống còn 5,05% vào năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn được duy trì ổn định dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra bất chấp tỷ lệ lạm phát thế giới có sự biến động mạnh mẽ. Điều này cho thấy, các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đã có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Khi lạm phát thế giới có sự suy giảm, áp lực và rủi ro lạm phát lên các nền kinh tế lớn không còn cao nữa thì ngân hàng trung ương các nước như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)… sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn, khi đó lãi suất sẽ giảm, thị trường chứng khoán khởi sắc, hoạt động đầu tư và tiêu dùng tăng, tổng cầu tăng, sản lượng, việc làm và thu nhập có sự gia tăng đồng thời. Đứng trước bối cảnh đó, nghiên cứu gợi mở một số chính sách sau cho Việt Nam:

Thứ nhất, chính sách tiền tệ cần hướng tới hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Các tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách theo hướng giảm lãi suất cho vay và giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng. Đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, song song với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần giám sát dòng tiền để dòng tín dụng hướng vào nền kinh tế thực thay vì chảy quá nhiều vào hoạt động chứng khoán, bất động sản.

Thứ hai, chính sách tài khóa cũng cần tiếp tục được điều hành theo hướng mở rộng để hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Sau 2 năm hứng chịu đại dịch COVID-19, khu vực doanh nghiệp chưa phục hồi vững chắc mà vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp.

Thứ ba, trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập khu vực đang diễn ra ngày càng gay gắt, các quốc gia sẽ cạnh tranh để thu hút các tập đoàn kinh tế lớn. Do đó, việc cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để thu hút các dự án đầu tư – nhất là các dự án đầu tư công nghệ cao – là vô cùng quan trọng. Do đó, ngoài việc nâng cấp đồng bộ, chất lượng cơ sở hạ tầng thì còn phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thị trường tài chính để có thể hỗ trợ các dự án công nghệ.

Tài liệu tham khảo:
  1. Bảo Duy (2022), Xuất khẩu lương thực của Ukraine gần bằng mức trước chiến tranh, Tuổi trẻ online;
  2. Đức Anh (2022), Hai tuần trước lệnh cấm vận của EU, dầu Nga đã mất hơn 90% thị phần ở nhiều nước châu Âu, VnEconomy;
  3. Thanh Tuấn (2023), Kinh tế toàn cầu năm 2023: Nhiều ảm đạm nhưng vẫn có vài điểm sáng, nif.mgov.vn;
  4. IMF (2024), World Economic Outlook, truy cập tại: https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2024/01/30/world-economic-outlook-update-january-2024.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ tháng 3/2024