Xu hướng mới của vốn FDI

Theo nhandan.com.vn

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ giúp Việt Nam chuyển dịch nhanh hơn từ một nền kinh tế sản xuất với giá trị gia tăng thấp sang nền sản xuất giá trị gia tăng cao.

Ngày càng nhiều các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Nguồn: internet
Ngày càng nhiều các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Nguồn: internet

Theo UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Samsung Electronics sẽ sớm xây dựng một trung tâm R&D tại quận Hoàng Mai. Dự án có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD này sẽ thay thế trung tâm R&D hiện tại mà Samsung Electronics phải thuê địa điểm tại tòa nhà PVI Tower nằm trên quận Cầu Giấy, nơi hơn 1.600 kỹ sư và nhân viên đang làm việc. Theo tập đoàn này, khi hoàn thành xây dựng, đây sẽ là dự án R&D lớn nhất của Samsung Electronics tại khu vực Đông - Nam Á.

Dù mới được thành lập từ năm 2012, trung tâm R&D của Samsung Electronics hiện tại ở Hà Nội đang chịu trách nhiệm phụ trách riêng thị trường phần mềm điện thoại và máy tính bảng của Samsung tại khu vực Đông - Nam Á, và đang chiếm tới 10% doanh thu toàn cầu của cả tập đoàn trong lĩnh vực này.

Các kỹ sư phần mềm người Việt Nam hiện đang làm cho trung tâm này từng nổi tiếng với việc tham gia vào thiết kế và viết phần mềm cho cây bút điện tử S-Pen Montblanc, một sản phẩm kết hợp giữa công nghệ của Samsung và sự tinh xảo trong ngành công nghiệp bút của hãng Montblanc.

Và với 300 triệu USD đầu tư xây dựng mới một trung tâm R&D lần này, Samsung Electronics đã cho thấy rằng tập đoàn này không chỉ coi Việt Nam là một cứ điểm sản xuất và lắp ráp điện thoại, mà còn biến nơi đây thành cứ điểm lớn về nghiên cứu và phát triển các ứng dụng phần mềm, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều chất xám và lao động lành nghề hơn.

Cũng nhờ đó, có thể nói giá trị gia tăng mà Samsung Electronics mang lại cho các sản phẩm tại Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Tập đoàn điện tử này dự kiến sẽ tăng số nhân viên Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực R&D từ 1.600 người lên 1.800 người.

Tuy nhiên, Samsung không phải là tập đoàn nước ngoài duy nhất đang mở rộng đầu tư vào R&D tại Việt Nam. Đã có thông tin rằng Apple, đối thủ chính của Samsung trên thị trường điện thoại và máy tính bảng, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới một tỷ USD để xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu và R&D tại Hà Nội. Trung tâm này sẽ phục vụ cho cả khu vực châu Á. Hiện, vẫn chưa biết thêm về dự án đầu tư này của Apple, như thời điểm đầu tư và địa điểm chính xác.

Với những động thái nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài GS, TS Nguyễn Mại cho rằng, đang có một xu hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn tại Việt Nam. Hay nói một cách khác, dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao đã bắt đầu chảy mạnh hơn vào trong nước.

Thực tế thì cách đây vài năm, các tập đoàn nước ngoài đã bắt đầu chú trọng đến việc dịch chuyển vốn FDI trong lĩnh vực R&D vào Việt Nam. Hãng sản xuất máy tính Hewlett-Packard (HP) năm 2012 đã quyết định đầu tư một trung tâm R&D tại Công viên Phần mềm Quang Trung tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là trung tâm R&D đầu tiên mà HP lập ở Việt Nam trong khu vực Đông - Nam Á. Hay như hãng sản xuất xe máy nổi tiếng Piaggio của Italia cũng đã xây dựng một trung tâm R&D ngay bên cạnh nhà máy tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Piaggio cho biết, trung tâm này cùng với nhà máy, sẽ đóng một vai trò quan trọng như là một trung tâm của Piaggio tại châu Á, và phục vụ cho cả khu vực châu Á chứ không chỉ riêng thị trường Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia khác như Panasonic, Yamaha và General Electric cũng đã có những trung tâm R&D của riêng mình tại Việt Nam.

Trong suốt nhiều năm sau khi đổi mới, vốn FDI chảy vào Việt Nam khá nhiều nhưng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, sử dụng công nghệ thấp, như là dệt may, da giày hoặc bất động sản. Nhưng rõ ràng, với các dự án R&D của các tập đoàn nước ngoài, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để chuyển sang một thời kỳ sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Hơn nữa, chắc chắn quá trình chuyển giao công nghệ cũng sẽ xảy ra nhanh hơn, do nhiều người Việt Nam có cơ hội làm việc và tiếp cận với công nghệ tiên tiến từ các tập đoàn lớn. Trưởng phòng Quản lý dự án tại trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội Đỗ Đức Dũng đã tự hào nói rằng, tất cả các nhân viên người Việt Nam ở đây có trình độ ngang bằng với các nhân viên của Samsung tại bất cứ trung tâm R&D khác nào trên thế giới. Điều đó lý giải tại sao Samsung lại tin tưởng giao cho các kỹ sư người Việt Nam đảm nhiệm dự án phát triển bút S-Pen Montblanc.

Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Robert Bosch Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Robert Bosch (Đức) Võ Quang Huệ cũng thừa nhận rằng, trình độ của các kỹ sư người Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều trong những năm qua, và đủ sức tham gia vào các dự án R&D của các công ty nước ngoài.

Hiện, Robert Bosch Việt Nam cũng đang vận hành hai trung tâm R&D tại tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Ông Huệ cho biết, công ty này có thể sẽ đầu tư thêm vào hai trung tâm này trong vài tháng tới để mở rộng năng lực nghiên cứu, phục vụ cho cả khu vực châu Á.