Tận dụng thời cơ thu hút dòng vốn FDI
Những tháng đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Các chuyên gia đánh giá dư địa để thu hút thêm FDI vào Việt Nam còn khá lớn nhưng cũng còn nhiều việc phải làm để tận dụng các cơ hội mở ra…
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa công bố báo cáo quý I/2016. Theo đó, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016 đạt 4,03 tỷ USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước. Riêng vốn cấp mới đạt 2,7 tỷ USD, tăng 125%. Số dự án cấp mới tính đến ngày 20/3 là 473 dự án, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm trước, còn số dự án tăng vốn đạt 203 dự án, tăng 99%.
Đánh giá về triển vọng thu hút FDI trong năm 2016 của Việt Nam, GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết, dư địa để thu hút thêm FDI còn khá lớn và môi trường đầu tư của Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay đã được cải thiện rõ rệt. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn là quốc gia có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nhờ nền tảng chính trị ổn định, hạ tầng giao thông, chính sách thu hút đầu tư được cải thiện mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam liên tục đưa ra cam kết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động.
Xu hướng mới của FDI vào châu Á cũng đang có sự chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được nhiều tập đoàn đa quốc gia lựa chọn là phương án số 1 để rót vốn đầu tư. Dự báo về thu hút FDI trong năm 2016, GS., TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, có khả năng sẽ cao hơn năm 2015 khoảng 3 - 4 tỷ USD.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN (AEC) trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng khiến không gian kinh tế của nước ta đã được mở rộng ra khu vực. Việc AEC được thành lập vào đầu năm 2016, với các hiệp định chung về điều chỉnh đầu tư (Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hóa ASEAN - ATIGA) và dịch vụ (Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ - AFAS), sẽ làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết sẽ tác động tích cực đến FDI vào Việt Nam.
Tuy lạc quan với việc đầu tư ở Việt Nam nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn lo ngại về môi trường đầu tư với nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp, không rõ ràng; cơ sở hạ tầng yếu kém... Dù Chính phủ đã nỗ lực và có nhiều hành động cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua, nhưng đối với các DN nước ngoài thì những kết quả trên vẫn chưa thực sự ấn tượng.
Bên cạnh đó, các đánh giá về thế mạnh và mức độ sẵn sàng của lao động Việt Nam tham gia AEC cho thấy, có những yếu tố cản trở hoặc làm giảm khả năng thu hút FDI vào Việt Nam khi xét về tiêu chí lao động: Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; Trình độ chuyên môn kỹ thuật, cùng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam khá thấp so các nước ASEAN 6; Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng (nhất là về ngoại ngữ) của lao động Việt Nam để sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế của đất nước cũng chưa cao…
Vì vậy, để tận dụng các cơ hội mở ra cho Việt Nam trong thu hút FDI, theo ông Bruno Angelet Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề, tăng năng suất lao động và cải thiện việc phân bổ vốn thông qua các quá trình ra quyết định tốt hơn và minh bạch hơn
Trong khi đó, dù lạc quan vào triển vọng FDI của Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Anh Dương, Phó Ban chính sách kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Thu hút thêm đầu tư nước ngoài cần thêm một sức kéo đủ mạnh từ cải cách môi trường kinh doanh trong nước. Sức kéo ấy có thể đến từ mức độ thông thoáng về chính sách, từ thái độ tích cực trong quan hệ đối tác giữa Nhà nước với tư nhân và giữa tư nhân trong nước với DN FDI, và ưu tiên phát triển ngành phù hợp với sự quan tâm của DN FDI.