Xu hướng mới từ dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam
Năm 2025 được hứa hẹn sẽ chứng kiến sự phát triển tích cực từ các tập đoàn Nhật Bản trong việc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, tài chính và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Mới đây, Công ty Cổ phần Elan (trụ sở tại tỉnh Nagano, Nhật Bản), chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ y tế, bao gồm cho thuê các sản phẩm tiêu dùng như quần áo, khăn tắm và các vật dụng sinh hoạt khác tại các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe, đã thực hiện một thương vụ đầu tư M&A tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Công ty ONE-VALUE.
Theo đó, Elan đã mua lại 51% cổ phần của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ TMC Việt Nam. Thương vụ này phần nào phản ánh sự chuyển hướng rõ rệt trong chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, khi không chỉ tập trung vào sản xuất, tài chính hay bán lẻ, mà còn tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực y tế và chuỗi cung ứng y tế - một ngành có tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm tới.
Đây có thể chỉ là khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Elan lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chiến lược mở rộng tại Đông Nam Á. Công ty này nhận thấy tiềm năng lớn từ sự phát triển của dịch vụ y tế, đặc biệt khi nhu cầu về bệnh viện tư nhân tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Theo Báo cáo công bố tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) Việt Nam 2024, tổng giá trị các thương vụ M&A từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2024 đạt 167 triệu USD, giảm mạnh so với con số 1,55 tỷ USD của năm 2023.
Tuy nhiên, mặc dù giá trị giao dịch giảm, số lượng thương vụ lại tăng lên 21. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn duy trì chiến lược mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam, chủ yếu thông qua các thương vụ có quy mô vừa và nhỏ.
Thông tin từ "Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024", với sự tham gia của 5.007 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á và châu Đại Dương, cho thấy tại Việt Nam, có 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, cao nhất khu vực ASEAN. Ngoài ra, 50,4% doanh nghiệp nhận định triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2025 sẽ cải thiện so với năm 2024.
Như đã đề cập, tuy không có những thương vụ đình đám, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với thị trường Việt Nam, bất chấp những yếu tố bất ổn từ tình hình toàn cầu, như căng thẳng địa chính trị hay biến động về thuế quan. Các lĩnh vực như y tế, công nghệ cao, bán dẫn, bán lẻ và năng lượng hiện đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo dự báo, vào năm 2025, các yếu tố hỗ trợ cho làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam vẫn sẽ duy trì và không có dấu hiệu suy giảm. Đây sẽ là thời điểm chứng kiến sự chuyển mình rõ rệt của các tập đoàn Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và chăm sóc sức khỏe.
Xu hướng chuyển dịch dòng vốn ra khỏi Trung Quốc đang tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam nổi bật là điểm đến chính.
Các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang chú trọng đến các lĩnh vực như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và nghiên cứu phát triển, nhằm tận dụng nguồn nhân lực Việt Nam và mở rộng ảnh hưởng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành bán dẫn tại Việt Nam đang đặc biệt thu hút sự quan tâm nhờ các chính sách đầu tư bài bản.
Bên cạnh đó, ngành y tế và dược phẩm đang nổi lên như một lĩnh vực đầu tư chiến lược. Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa hệ thống y tế, với nhu cầu cao về thiết bị y tế tiên tiến, dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và bệnh viện tư nhân.
Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ đầu tư trực tiếp mà còn thông qua các thương vụ M&A nhằm chiếm lĩnh thị trường một cách nhanh chóng.
Lĩnh vực tài chính tiêu dùng, ngân hàng số và fintech cũng đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Sự bùng nổ của thương mại điện tử và nhu cầu về các dịch vụ tài chính cá nhân đang mở ra cơ hội để các tập đoàn Nhật Bản mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua các thương vụ M&A.
Một yếu tố đáng chú ý khác là sự chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Không chỉ là điểm đến của dòng vốn Nhật Bản, trong tương lai gần, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Nhật Bản thông qua các thương vụ M&A ngược.
Những doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ, tài chính hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm hoàn toàn có thể mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Nhật Bản.