Xu hướng mua hàng tại EU có gì mới trong năm 2024?
Nền kinh tế các nước liên minh châu Âu có tín hiệu phục hồi tích cực, tạo đà cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng thị hiếu mua hàng của người dân có một số thay đổi quan trọng.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU đã cập nhật thông tin mới về dự báo tăng trưởng kinh tế, thương mại, xu hướng tiêu dùng cũng như quy định mới liên quan đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong năm 2024.
Sau 2 năm khủng hoảng vì đại dịch COVID - 19, một số điểm sáng được ghi nhận với kinh tế EU như lạm phát giảm tạo thu nhập tốt hơn cho người dân, giá năng lượng ổn định hơn, chuỗi cung dần khôi phục. Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng kinh tế và thương mại của EU tăng trưởng nhẹ trong năm 2024 và mạnh hơn trong năm 2025.
Dù vậy, từ góc độ thị trường, người dân chưa mạnh dạn mua sắm, cạnh tranh về giá tại thị trường châu Âu được dự báo sẽ căng thẳng. Hầu hết các nhà phân phối từ chối đơn hàng, nhãn hàng tăng giá nhiều. Năm 2024 được nhận định, cạnh tranh về giá là một trong những ưu tiên tại thị trường EU và đây là điểm doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần lưu ý.
Cung cấp thông tin về các quy định với hàng hoá nhập khẩu năm 2024, Tham tán Trần Ngọc Quân cho biết: EU thực hiện nhiều quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, phát triển xanh. Cụ thể, từ tháng 6/2024, cơ chế cân bằng carbon áp dụng liên quan trực tiếp với mặt hàng sắt thép, phân bón, các doanh nghiệp phải khai báo bảng kê khai liên quan tương đối phức tạp và cần thời gian nghiên cứu.
Cũng từ tháng 6/2024, quy định về trách nhiệm đến hạn chống phá rừng yêu cầu các mặt hàng cà phê, cao su, đồ gỗ phải thực hiện chứng nhận chống phá rừng. Bộ quy định này cũng tương đối chi tiết và kỹ thuật, đòi hỏi các doanh nghiệp có liên quan phải kê khai và chuẩn bị dữ liệu.
Trong năm 2024, EU cũng dự định đưa ban hành quy chế về thiết kế sinh thái trong ngành dệt may, yêu cầu giảm thiểu tối đa rác thải trong ngành. Với các mặt hàng nông sản, trong chiến lược từ nông trại đến bàn ăn cũng đưa ra dự kiến quy định về chống rác thải thực phẩm…
Trước quan ngại lớn của người dân về chất lượng an toàn thực phẩm, năm 2024, EU trọng tâm đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm với nhóm hàng thực phẩm nhập khẩu và cả hàng sản xuất nội khối. Ngay từ đầu năm EU đã cập nhập ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phê chuẩn kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản Việt Nam tập trung vào hàng thuỷ sản, mật ong, đang xem xét với trứng, sữa.
Bên cạnh các quy định xanh và sạch trên, Tham tán Trần Ngọc Quân lưu ý đến lợi thế về thuế mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn nữa. Đó là hiệp định EVFTA đã bước vào năm thứ 4 thực thi, việc cắt giảm thuế quan đã giúp tạo sự khác biệt lớn giữa hàng hoá Việt Nam và hàng hoá từ các nước cạnh tranh xuất khẩu vào EU.
Đối với các hoạt động kết nối, giao thương doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Quân thông tin: năm 2024 thương vụ dự kiến tổ chức hội nghị kết nối các doanh nghiệp Việt Kiều trong các lĩnh vực tại EU vào cuối tháng 6/2024. Ngoài ra, dự kiến trong các tháng 3, tháng 5 và tháng 10 có 3 đoàn doanh nghiệp tại một số vùng của Bỉ sẽ sang Việt Nam, chuẩn bị cho sự kiện nhà vua Bỉ sẽ có chuyến thăm Việt Nam. Nhiều hoạt động kinh tế, xúc tiến thương mại được các doanh nghiệp Bỉ tổ chức tại Việt Nam từ đầu năm, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước cần có kế hoạch kết nối và trao đổi hợp tác.