Xử lý nghiêm tình trạng mạo danh, giả mạo cơ quan, tổ chức
Sau vụ việc giả văn phòng công chứng (VPCC) Sao Bắc Đẩu ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến nêu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vụ việc này. Tuy nhiên, công bằng mà nói việc mạo danh, giả mạo cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến, phức tạp ở nhiều ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa...
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mạo danh, giả mạo cơ quan, tổ chức để trục lợi là do các chế tài đối với các hành vi vi phạm kiểu như thế này chưa nghiêm. Ví dụ, theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013; Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 110, quy định: Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng; Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào.
Với mức xử phạt như vậy là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, trong trường hợp này người liên quan còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu, tuy nhiên, trường hợp này khó xử lý, vì suy cho cùng họ chẳng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nào! Trường hợp bị xử lý hình sự thì mức hình phạt cao nhất chỉ là 7 năm tù, so với một số loại tội khác thì chưa thật sự nghiêm khắc. Bởi vì, hành vi “công chứng giả” này có thể gây thiệt hại rất lớn cho cá nhân, tổ chức, có khi lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sự quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền ở một số nơi chưa chặt chẽ, có dấu hiệu buông lỏng. Bởi lẽ, như trường hợp trên theo quy định thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy đăng ký hoạt động của VPCC, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã nơi VPCC đặt trụ sở. Do đó, VPCC Sao Bắc Đẩu đi vào hoạt động thời gian khá dài và đã ký đến 600 hợp đồng, văn bản công chứng nhưng cơ quan liên quan không phát hiện ra là điều đáng trách.
Theo chúng tôi, để ngăn chặn tình trạng mạo danh, giả mạo cơ quan, tổ chức đang diễn ra khá nhiều thời gian gần đây cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, đối với cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, liên thông trong hoạt động quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Theo đó, kịp thời đăng tải thông tin trên trang điện tử của cơ quan, đơn vị mình; Đồng thời bằng các hình thức khác như thông báo, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho cơ quan liên quan, người dân về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị nhằm hạn chế, khắc phục yếu kém trong cung cấp, xác minh thông tin. Bên cạnh đó, tăng chế tài đối với hành vi giả mạo, mạo danh cơ quan, tổ chức để trục lợi, gây thiệt hại cho người dân, tổ chức và ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Thứ hai, đối với người dân phải biết cách tự bảo vệ mình trước tình trạng giả mạo. Theo đó, cần nắm bắt đầy đủ thông tin về cơ quan, tổ chức trước khi tiến hành ký kết, giao dịch nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Giả sử, liên quan đến vụ giả VPCC nếu người dân tỉnh táo, hiểu biết pháp luật thì trước khi tiến hành giao dịch hợp đồng, yêu cầu công chứng mà tham khảo trên trang điện tử của Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh thì sẽ phát hiện ra VPCC giả này, vì nó không được đăng tải trên trang điện tử của Sở này.
Người dân tuyệt đối không nên chỉ nhìn vào bề ngoài, thông qua quảng cáo của các tổ chức mà giao dịch, ký kết, chuyển giao tài sản của mình. Bởi vì, như vậy có thể bị lừa khiến “tiền mất, tật mang” mà quyền lợi rất khó có thể đòi lại được.