Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản để phá băng nợ xấu

Theo Chinhphu.vn

Giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản được xác định là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề nợ xấu trong bối cảnh hiện nay.

Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản để phá băng nợ xấu
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012 mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết trong một thời gian dài, vì nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, các địa phương đều có nhu cầu rất bức thiết và đều huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, khối lượng công việc đã thi công cũng như kinh phí cần thiết cho các công trình này vượt mức cân đối của ngân sách địa phương. Hiện con số nợ đọng đã lên đến khoảng 90.000 tỷ đồng.

Không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, tình trạng nợ đọng còn dẫn đến những tác động rất xấu cho nền kinh tế, minh chứng điển hình là ở các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.

Báo Giao thông vận tải cho biết, hai dự án đường cao tốc được coi là đầu tiên tại Việt Nam: Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.HCM - Trung Lương đều nợ các nhà thầu hàng trăm tỷ đồng trong một thời gian dài. Việc chủ đầu tư chậm chi trả, nợ đọng kéo dài khiến nhà thầu ngoài việc bị lỗ, không có tiền xoay vòng, lưu động để thi công các dự án khác, hàng tháng còn phải trả lãi ngân hàng với số lượng lớn.

Ông Phạm Đức Hồng, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá nợ đọng xây dựng cơ bản dẫn đến công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán giá trị khối lượng thực hiện. Không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản, góp phần làm cho nợ xấu ngân hàng tăng lên, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản đã dồn lại từ cả chục năm qua và vấn đề này chỉ được thực hiện nghiêm túc và triệt để khi gắn với trách nhiệm cá nhân, đơn vị rõ ràng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đúng tác động bất lợi do nợ đọng xây dựng cơ bản gây ra. Chỉ thị xác định rõ một trong những hậu quả của nợ đọng xây dựng cơ bản là góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên. Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong các giải pháp để ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thủ tướng yêu cầu từng địa phương phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua.

Các địa phương xây dựng phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Khi tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, trả lại khoản này cho doanh nghiệp cũng là một giải pháp rất hữu hiệu giải quyết nợ xấu”.

Các địa phương gấp rút triển khai

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội chủ trương trong năm 2013, chỉ bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng. Những địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, không được bố trí vốn cho việc khởi công mới các dự án, đồng thời phải đình hoãn một số dự án để tập trung xử lý nợ đọng.

Việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện năm 2013 sẽ theo nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn cho các dự án trong khả năng cân đối ngân sách được HĐND TP thông qua. Tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn được giao, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trước mắt, TP tập trung bố trí đủ vốn ngay từ đầu năm cho thanh toán nợ khối lượng các công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2012, đảm bảo vốn để hoàn thành các dự án nhóm C không quá 3 năm, nhóm B không quá 5 năm…

Tại Ninh Bình, hiện tổng số nợ xây dựng cơ bản của các công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng (gồm quyết toán và chưa quyết toán) còn thiếu vốn thanh toán là 935,964 tỷ đồng.

Tỉnh đã đề ra 11 giải pháp thực hiện nhằm khắc phục tình trạng này. Cụ thể, tỉnh công bố quy hoạch, xác định mốc giới dự án, thu hồi đất, kiểm đếm, lập và duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.

UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh việc thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất, dành toàn bộ số vượt thu của ngân sách các cấp năm 2012 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản cho các công trình, kiên quyết không phân bổ cho dự án khởi công mới.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng chỉ đạo tuyệt đối không được để kết dư kế hoạch vốn đã bố trí năm 2012. Trường hợp kết thúc thời hạn thanh toán theo quy định, các chủ đầu tư còn để kết dư kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý kỷ luật trách nhiệm người đứng đầu.

Với mục tiêu đảm bảo đến cuối năm 2012 đạt tỷ lệ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản 96% kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc, Sở Tài chính Vĩnh Long cũng đang chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong công tác quản lý, kiểm tra thanh toán vốn xây dựng cơ bản, trong đó tập trung hỗ trợ chủ đầu tư lập thủ tục thanh toán tạm ứng khối lượng dự án đã hoàn thành.