Trong hai thập kỷ trở lại đây, ngành Thủy sản Việt Nam đã đạt những bước phát triển vượt bậc, đóng góp ngày càng nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nhanh với mức tăng bình quân gần 15%/năm, từ mức thấp 550 triệu USD năm 1995 lên 8,3 tỷ USD năm 2017. Đặc biệt, năm 2017 được coi là năm đạt được giá trị xuất khẩu kỷ lục khi kế hoạch ban đầu chỉ đề ra trên 7 tỷ USD.
Theo kế hoạch, xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 cần đạt 8,5 tỷ USD nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngay trong quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt mức 1,7 tỷ USD, tăng 11,2%. Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đã góp phần vào quá trình tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của cả nước nói chung.
Tuy nhiên, dù đang có những lợi thế nhưng năm 2018, ngành Thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, không thể chủ quan. Cụ thể, thời gian qua xuất hiện tình trạng đáng lo ngại là các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kể trên như:
Thứ nhất, một số hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn được sử dụng trong y tế, công nghiệp và chăn nuôi động vật trên cạn. Việc phối hợp để kiểm soát chưa chặt chẽ, các hộ nuôi thủy sản có thể dễ dàng tiếp cận và lạm dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Thứ hai, vẫn còn hiện tượng nhập lậu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ và bị lạm dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Thứ ba, việc quản lý, cấp phép cũng như kiểm tra, giám sát lưu thông, mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản chưa chặt chẽ, dẫn đến việc các hộ nuôi lạm dụng dẫn đến gây tồn dư trong sản phẩm.
Thứ tư, phần lớn các cơ sở nuôi trồng, cơ sở thu mua thủy sản của Việt Nam nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở vì lợi ích trước mắt đã sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản thủy sản.
Thứ năm, chương trình quản lý chất lượng của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản chưa được thường xuyên rà soát, cập nhật để kiểm soát hiệu quả vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Trước cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về vấn đề trên có thể ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, làm giảm hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và tác động tiêu cực đến đời sống của ngư dân và người nuôi trồng thủy sản, ngày 04/04/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 09/CT-TTg yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường nhập khẩu; Quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; thường xuyên tổ chức rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục các sản phẩm được phép lưu hành; Tổ chức giám sát tồn dư hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở vi phạm; Chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm) trong sản xuất, lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình bảo quản thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật...
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công an tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong công nghiệp nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; Tăng cường công tác xử lý các vụ việc tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt là phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thủy sản...
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tra, thu thập thông tin, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường và thuộc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành; Tham gia tổ công tác liên ngành kiểm tra, thanh tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản và việc lạm dụng kháng sinh trong bảo quản thủy sản; phát hiện những vấn đề tiêu cực và có biện pháp xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp cố ý vi phạm. Đồng thời, giao Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cập nhật thông tin, thông báo cho doanh nghiệp về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu kiểm dịch, điều kiện nhập khẩu của các nước đối với hàng thủy sản...