Cá tra Việt Nam bị mức thuế cao kỷ lục tại Mỹ
Theo đài RFA, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR) thuế chống bán phá giá cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ ngày 1/8/2015 đến 31/7/2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ba sa của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD đến 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát kể trên.
Tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp Việt
Với mức thuế được thông báo như vừa nêu, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho biết họ đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn.
Theo quyết định mới, có hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất lên tới 7,74 USD/kg là công ty Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods. Mức thuế này cao gấp 3,2 lần mức thuế sơ bộ và gấp 9,7 lần mức thuế kỳ POR 12 mà các doanh nghiệp này phải chịu khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ trước đây.
Ông Bùi Tất Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex II Seafoods chia sẻ: "Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ hiện nay cứ bị lỗ hoài, nhiều khả năng phải phá sản. Đặc biệt đối với thị trường Mỹ, bán thì có lời nhưng thuế cao như vậy thì cũng bị lỗ".
Trong khi giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ ở thời điểm hiện tại khoảng 4 - 5 USD/kg thì mức thuế gần 8 USD/kg xem như mức thuế gấp đôi giá xuất khẩu. Theo ông Bùi Tất Phương, tuy thị trường Mỹ có tiềm năng và ổn định, nhưng lại bị ảnh hưởng do việc tăng thuế đối với cá tra Việt Nam.
Ông Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định việc áp thuế chống bán phá giá từ phía Mỹ đối với các công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam khiến cho thị trường bị thiên lệch, đồng nghĩa với việc làm cho giá cá tra ở Mỹ cao hơn ở châu Âu và Trung Quốc. Bên cạnh đó là tình trạng cạnh tranh giữa các công ty trong nước vì một số công ty áp thuế thấp thì có lợi, còn công ty bị áp thuế cao, không xuất khẩu được thì bị lỗ vốn. Mặt khác, vụ việc này còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân.
Ông Võ Hùng Dũng nói: "Năm nào cũng xảy ra tình trạng như vậy. Tôi cũng chưa biết chính sách của Mỹ đối với Việt Nam như thế nào trong khi thương mại hai nước tiến triển rất tốt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến những người nông dân".
DOC hành xử không công bằng?
Sau khi có phán quyết cuối cùng của DOC trong kỳ POR 13, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định kết quả này của DOC thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường; đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo VASEP, trong POR 13, DOC chọn Công ty Cổ phần Gò Đàng để xem xét hồ sơ và quyết định áp dụng mức thuế 3,87 USD/kg cho công ty này. Mức thuế này cũng được áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp còn lại.
Ông Võ Hùng Dũng nhận định về quan điểm trên của DOC:
"Hoàn toàn là không công bằng. Đây là sự áp đặt của DOC. Quan điểm xuyên suốt của chúng tôi là DOC áp đặt quan điểm chủ quan đến ngành cá của chúng tôi".
Về giải pháp và hướng đi của Hiệp hội Cá tra Việt Nam trước những quyết định của DOC như trên, ông Võ Hùng Dũng nói:
"Chúng tôi thực sự bất lực trước vấn đề này. Thậm chí chính phủ Việt Nam cũng đã từng lên tiếng, Bộ Công thương lên tiếng, nhưng DOC vẫn áp đặt. Đằng sau những quyết định, những con số điều tra rất chi tiết, công thức, kỹ lưỡng công phu, nhưng đã hàm ý chủ quan áp đặt lên những con số đó".
Ông Võ Hùng Dũng nói rằng hiệp hội của ông không biết cách tính toán của DOC như thế nào. Ông nói, các doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin, không cho biết cách tính như thế nào. Ông cũng bày tỏ mong muốn các nhân sĩ, trí thức tại Mỹ bằng hiểu biết về cách tính toán của DOC hãy giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội áp dụng.
Còn đối với chủ doanh nghiệp Cadovimex II Seafoods, ông Bùi Tất Phương cũng tỏ ra bất bình trước những phán quyết của DOC:
"Luật chống phá giá của Mỹ áp đặt việc kiểm tra hồ sơ, chứng từ. Có những vấn đề có thể là do giải trình, nhưng cũng có thể do DOC áp đặt vì tự họ có quyền áp đặt. Do đó, tôi thấy thiếu sự công bằng".
Ông Bùi Tất Phương cho biết, hiện có 2 doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ, nhưng được ưu ái đánh thuế bằng 0 và 0,19 USD, vì như ông nói, chính phủ Mỹ đồng ý cho 2 doanh nghiệp này được quyền thương lượng với hiệp hội nghề cá tại đó bằng các khoản phí hàng năm.
Chuyển thị trường?
Trong khi các thị trường lớn trước kia như Mỹ và EU đột nhiên suy giảm thì thị trường của Trung Quốc gần đây nổi lên như một hiện tượng. Theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam, năm 2014, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 6,4% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam, đến năm 2017, thị trường Trung Quốc đã vượt qua Mỹ với con số 23%. Ông Dũng cho biết:
"Những năm trước, chúng tôi đã cho rằng thị trường Mỹ và EU đang có thiên lệch đối với thị trường chúng tôi nên chúng tôi phải tìm giải pháp khác. Đó là bán sang thị trường Trung Quốc và gần đây đang tiếp cận thị trường Nhật Bản. Trong cơ cấu thị trường, hiện nay sự suy giảm của EU đã được thay thế bằng Trung Quốc và một phần của ASEAN. Đó là bài toán trong ngành của chúng tôi".
Ông Dũng nói việc có thêm thị trường mới nằm trong chiến lược đa dạng hóa của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhưng nhấn mạnh đây không phải là vấn đề cứu cánh mà chỉ là một bài toán giải quyết rủi ro khi thị trường Mỹ và EU sụt giảm.
Còn Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex II Seafoods xác nhận về sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay, nhưng băn khoăn về sự bền vững của nó: "Thị trường Trung Quốc hiện nay thể hiện tăng trưởng rất mạnh, nhưng bền vững thế nào thì còn nhiều khía cạnh do tác động chủ quan, khách quan nữa. Các doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo tốt chất lượng là điều kiện đảm bảo ổn định phát triển ở thị trường Trung Quốc. Nếu giá cả tốt thì đảm bảo điều kiện thứ hai".
Ông Dũng bày tỏ sự lo ngại trước những thay đổi thất thường từ các doanh nghiệp Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc là thị trường bấp bênh: "Chúng tôi quan tâm vì thị trường Trung Quốc rất bấp bênh. Đôi khi nhu cầu tăng thì giá tăng, nhưng khi thay đổi thì giá rớt xuống. Tất cả các mặt hàng xuất sang thị trường Trung Quốc lâu nay đều bị hiện tượng đó nên chúng tôi rất lo ngại".
Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam nói rằng ông mong muốn thị trường Mỹ và EU được phục hồi trở lại vì cả ông và ông Bùi Tất Phương đều cho rằng Mỹ là một thị trường đòi hỏi những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, và đây là một thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao quản lý và chất lượng sản phẩm của mình.