Xử lý vi phạm trong kiểm toán độc lập, góp phần củng cố thị trường chứng khoán

TS. Nguyễn Thanh Huyền, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NCS.ThS. Nguyễn Thùy Linh, Trường Đại học Thủy lợi

Kiểm toán độc lập giữ vai trò quyết định để một báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết được đánh giá trung thực và có chất lượng. Kiểm toán độc lập còn đóng vai trò gia tăng mức độ tin cậy đối với các thông tin tài chính, góp phần lành mạnh hoá các quan hệ kinh tế. Chế tài xử lý vi phạm trong kiểm toán độc lập giúp nâng cao mức độ minh bạch của thông tin và dữ liệu của các doanh nghiệp niêm yết, đóng góp đáng kể vào hoạt động bền vững, có trật tự của thị trường chứng khoán.

Vai trò của kiểm toán độc lập với thị trường chứng khoán

Kiểm toán độc lập (KTĐL) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính, góp phần làm minh bạch hóa tình hình tài chính doanh nghiệp. KTĐL là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính (BCTC) và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.

KTĐL đã trở thành nhu cầu cần thiết để công khai, minh bạch thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, lợi ích của chủ sở hữu vốn, các chủ nợ cũng như lợi ích và yêu cầu của Nhà nước. Báo cáo kiểm toán thể hiện rõ nét về việc đã thu thập đủ bằng chứng hỗ trợ để cho phép kiểm toán viên (KTV) đưa ra sự đảm bảo hợp lý rằng các báo cáo được bày trình công bằng, không chứa sai sót trọng yếu theo quy định pháp luật. Báo cáo kiểm toán của KTV độc lập cung cấp ý kiến chuyên môn hỗ trợ người ra quyết định cảm thấy an toàn khi dựa vào thông tin tài chính để đưa ra quyết định đầu tư. Báo cáo là yêu cầu pháp lý nhằm:

- Tăng cường độ tin cậy về chất lượng, tính minh bạch, chính xác và công khai của doanh nghiệp niêm yết (DNNY) không chỉ được sử dụng để các cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan đến đơn vị được kiểm toán xử lý các quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan.

- Hỗ trợ cơ quan nhà nước quản lý phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời sai sót, yếu kém trong hoạt động của doanh nghiệp được kiểm toán.

- Giúp DNNY có nhiều cơ hội tìm kiếm lãi suất thấp không chỉ đối với các khoản vay ngân hàng mà cả nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Kiểm toán độc lập góp phần xây dựng niềm tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Kể từ năm 1991 đến nay, KTĐL Việt Nam đã dần khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trở thành một kênh thông tin cần thiết và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư, các chủ thể trong nền kinh tế xem xét tham gia và chi phối hợt động kinh tế của mình. Hoạt động KTĐL đã trở thành nhu cầu cần thiết để công khai, minh bạch thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việt Nam đã từng bước thể chế hoá hoạt động kiểm toán nói chung và KTĐL nói riêng. Khởi đầu là vào tháng 01/1994, Chính phủ ban hành Quy chế KTĐL theo Nghị định số 07-CP, ngày 19/01/1994. Từ ngày 01/01/2012, hoạt động KTĐL thực hiện theo Luật KTĐL số 67/2011/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 19/03/2011 là cơ sở pháp lý quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong hệ thống các văn bản pháp luật về KTĐL. Cùng với Luật Kế toán sửa đổi 2015, các chuẩn mực kế toán... đã tạo ra môi trường pháp lý đảm bảo tính kịp thời, phù hợp, thống nhất và đồng bộ, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán phát triển và phục vụ đắc lực, hiệu quả cho các hoạt động kinh tế - tài chính góp phần thúc đẩy thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng ổn định và phát triển.

Theo Bộ Tài chính, 155 DNKT thời điểm năm 2012 đã tăng lên 221 DNKT đến tháng 5/2024, trong đó có: 03 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; 09 công ty cổ phần đầu tư nước ngoài, 209 công ty có 100% vốn trong nước. Số lượng người được cấp chứng chỉ KTV của Việt Nam là 6.387 người, trong đó có 2.501 người đang làm việc trong các doanh nghiệp KTĐL (chiếm 39% số người có chứng chỉ KTV).

Việc KTV, DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam thực hiện kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về BCTC các đơn vị có lợi ích công chúng như DNNY, công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… hàng năm theo quy định của Luật KTĐL, phù hợp với thông lệ quốc tế do tính chất và mức độ ảnh hưởng đến lợi ích công chúng. Sau 13 năm triển khai thực hiện, Luật KTĐL trở thành một trong những nền tảng của hệ thống tài chính. Sản phẩm của KTĐL là những thông tin kinh tế tài chính đã được các KTV có đủ năng lực và độc lập xác nhận, là căn cứ quan trọng cho các bên, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân không có điều kiện về năng lực, trình độ chuyên môn về tài chính, kế toán như cổ đông, nhà đầu tư... đưa ra các quyết định kinh tế. Để xây dựng được lòng tin, kiểm toán cần những giá trị về tính chính trực, khách quan, độc lập, chuyên nghiệp, năng lực và bảo mật. Hay nói cách khác, KTV cần có sự hoài nghi và lòng dũng cảm, cần phải sẵn sàng nói lên sự thật, phản ánh quyết tâm làm điều đúng đắn, không chỉ đơn thuần là tuân thủ yêu cầu pháp lý.

Có thể khẳng định, KTĐL làm tăng mức độ tin cậy đối với các thông tin tài chính, góp phần lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế. Dựa vào kết quả kiểm toán, tình hình tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh, luồng lưu chuyển tiền của doanh nghiệp có thể đánh giá một cách đúng đắn làm cơ sở cho các quyết định kinh tế của mình. Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù các quy định pháp lý trong lĩnh vực KTĐL tương đối đồng bộ, thống nhất, kịp thời, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả thúc đẩy các KTV hành nghề và DNKT ra được báo cáo kiểm toán trung thực và hợp lý để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Lĩnh vực kiểm toán là lĩnh vực đặc thù và khá nhạy cảm, bởi lẽ dựa trên sự phán đoán của các KTV mà toàn bộ nền kinh tế xây dựng được lòng tin vào các công ty và thị trường. Tuy nhiên, những vi phạm của kiểm toán viên và các DNKT đã bị xử lý và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm gần đây, cũng như nhiều hãng kiểm toán lớn trên thế giới bị phá sản, giải thể đã làm suy giảm niềm tin từ phía công chúng đối với ngành KTĐL và chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của KTĐL.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, liên quan đến xử lý vi phạm chất lượng dịch vụ kiểm toán và KTV hành nghề được thực hiện theo quy định của Luật KTĐL và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, từ năm 2013 đến nay, đã có 114 KTV bị đình chỉ hành nghề kiểm toán do vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán hoặc không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định; 03 DNKT bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán do vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán; 03 DNKT bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán do không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Từ năm 2015 đến nay, có 67 DNKT và 08 KTV bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm, gồm: (1) Nộp báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho Bộ Tài chính hàng năm hoặc khi có yêu cầu chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định; (2) Thực hiện kiểm toán khi thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật; (3) Không thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính khi có thay đổi danh sách KTV hành nghề đã đăng ký với Bộ Tài chính; (4) Không nộp báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán hàng năm; (5) Không nộp báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán cho Bộ Tài chính.

Chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTĐL đã được quy định cụ thể trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và KTĐL (trước đây là Nghị định số 105/2013/NĐ-CP nay được thay thế bằng Nghị định 41/2018/NĐ-CP). Riêng về chế tài xử lý vi phạm về chất lượng kiểm toán đối với doanh nghiệp KTĐL cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 157/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính. Mức xử phạt còn thấp, mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức, chưa đủ tính răn đe. Trong khi đó, quy định số tiền phạt đối với doanh nghiệp KTĐL, KTV có giá trị rất lớn, Ví dụ: ở Anh năm 2017, Hội đồng báo cáo tài chính Anh (FRC) đã phạt Công ty PwC với mức phạt 5,1 triệu bảng Anh, đồng thời KTV phụ trách kiểm toán bị phạt 115 nghìn bảng Anh vì thực hiện kiểm toán cho công ty RSM Tenon trong năm 2011 không phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán và quy trình kiểm toán.

Hay trường hợp công ty KPMG cũng bị Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) xử phạt 4,8 triệu bảng Anh (cao gấp 100 lần so với giá trị hợp đồng) vì sai phạm trong kiểm toán cho công ty dầu khí Miller energy Resources khi phát hành báo cáo kiểm toán không đạt tiêu chuẩn theo quy định của chuẩn mực kiểm toán. Đối tác của KPMG tham gia cuộc kiểm toán này cũng phải gánh một khoản phạt 25 nghìn USD và bị đình chỉ công tác. Mới đây, Trung Quốc phát hiện công ty con của Evergrande tại Trung Quốc (Hengda) đã khai khống doanh thu, cụ thể, trong hai năm tính đến năm 2020, con số bị thổi phồng lên tới 564 tỷ Nhân dân tệ. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc quyết định đình chỉ một số hoạt động kinh doanh của PricewaterhouseCoopers LLP (PwC) trong vòng 6 tháng. Đồng thời, PwC còn phải chịu khoản phạt khổng lồ lên tới 441 triệu Nhân dân tệ, tương đương 62 triệu USD. Con số này không chỉ gây sốc về mặt tài chính mà còn là một đòn giáng mạnh vào uy tín của một trong "Big4" của ngành kiểm toán toàn cầu.

Các KTV có sai phạm về chất lượng dịch vụ kiểm toán thì sẽ bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị hạn chế do thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTĐL chỉ là 1 năm (theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính), trong khi kết quả kiểm toán có thể ảnh hưởng sau nhiều năm. Cùng với đó, mặc dù Bộ luật Hình sự đã dành nguyên Mục 2, Chương XVIII với 16 Điều quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực kiểm toán đến nay Bộ luật Hình sự năm 2015 và kể cả Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đều không có điều khoản điều chỉnh độc lập. Vì vậy, đến nay chưa có một vụ án hình sự nào, chưa có đối tượng nào bị xét xử tội vi phạm quy định về KTĐL, cho dù hậu quả mà tổ chức và cá nhân có liên quan gây ra vô cùng lớn.

Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên

Để thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 (Quyết định số 633/QĐ/TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ), một trong những nhiệm vụ chính là tạo ra một môi trường kinh tế minh bạch và công bằng. Muốn vậy, cần có những cải thiện mang tính then chốt cho thị trường KTĐL đầy đủ năng lực, chính trực và trách nhiệm, cần phải có những chế tài đủ mạnh đảm bảo tính răn đe phòng ngừa các hành vi vi phạm. Với những đòi hỏi từ thực tiễn, tại nội dung Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật KTĐL đã chú trọng tới nâng cao các hình thức xử phạt như:

Thứ nhất, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 59 của Luật KTĐL bị xử lý theo các hình thức: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền: Tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân; c) Ngoài hình thức xử lý quy định tại điểm a và điểm b của khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ KTV…

Thứ hai, bổ sung các tội danh theo tính chất, mức độ vi phạm vào pháp luật hình sự. Thực tiễn tại các nước phát triển xử lý rất nặng đối với DNKT và KTV có vi phạm, số tiền phạt có thể lên tới hàng triệu USD. Qua các vụ án đã xảy ra cho thấy sự cần thiết đặt trách nhiệm của các DNKT trước pháp luật ở mức cao hơn, để loại trừ sự thông đồng trục lợi. Bên cạnh tăng cường mức phạt thật nặng, cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung, luật hoá tội danh vi phạm về KTĐL gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ ba, kéo dài thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập là 10 năm.

Những thay đổi này kỳ vọng sẽ tạo những chuyển biến trong việc minh bạch hóa tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK nói riêng cũng như tổng thế nền kinh tế nói chung.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2011), Luật Kiểm toán độc lập;
  2. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) và VACPA (2024), Hội nghị thường niên giám đốc các công ty kiểm toán;
  3. EU (2015), Contribution of the audit to the capital markets union;
  4. SEC (2024), the role of the independent auditor in financial reporting
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2024