Xử phạt vi phạm hành chính: Mỗi nơi mỗi giá
Có tới khoảng 300.000 hành vi bị coi là vi phạm hành chính (VPHC). Hàng năm, các cơ quan chức năng trong cả nước xử phạt trên 3 triệu vụ VPHC. Xử phạt VPHC liên quan đến nhiều lĩnh vực, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chế tài trong pháp luật xử phạt VPHC hiện không thống nhất, mỗi nơi mỗi “giá”; thiếu tính công bằng và hiệu quả chưa cao.
Vừa gây bức xúc, vừa tùy tiện
TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) đang vận động người dân không xả rác bừa bãi ra đường và xử phạt các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, xử lý theo quy định nào lại không đơn giản. Theo Nghị định (NĐ) 46/2016, hành vi xả rác nơi công cộng bị phạt 300.000 - 400.000 đồng; theo NĐ 155/2016, bị phạt 5 - 7 triệu đồng; theo NĐ 167/2013, bị phạt 1 - 2 triệu đồng. Hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định cũng bất nhất trong chế tài, có NĐ phạt 100.000 - 300.000 đồng, có NĐ phạt 1 - 3 triệu đồng.
Hành vi gây mất trật tự tại sân bay, có NĐ phạt 100.000 - 300.000 đồng, có NĐ phạt 3 - 5 triệu đồng. Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho rằng việc quy định không thống nhất về mức tiền phạt đã gây xung đột pháp luật, dẫn tới tình trạng cùng thực hiện một hành vi vi phạm nhưng hai đối tượng lại bị xử phạt hai mức tiền khác nhau, nhiều khi chênh lệch khá lớn, gây bức xúc cho người vi phạm và dư luận như thời gian qua đã xảy ra. Bên cạnh đó, điều này cũng gây lúng túng và sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.
Trong mối tương quan với các chế tài khác, việc xử phạt VPHC cũng bộc lộ bất cập. Bộ luật Hình sự quy định trốn thuế ở mức 100 triệu đồng trở lên mới là tội phạm; như vậy, trốn thuế dưới 100 triệu đồng chỉ là VPHC. PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Luật TPHCM, so sánh: “100 triệu đồng là lớn gấp 50 lần so với hành vi trộm cắp 2 triệu đồng.
Trong khi trộm 2 triệu đồng thì bị xử lý hình sự, còn trốn thuế gần 100 triệu lại chỉ bị xử lý VPHC, là không thỏa đáng”. Để tránh tình trạng vi phạm “núp bóng” VPHC và “thoát” trách nhiệm hình sự, các VPHC có tính chất nguy hiểm cao cần được tội phạm hóa. Đồng thời, cần hành chính hóa các hành vi tội phạm mà tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể.
Giao tòa án xử lý
Thời gian qua, một số biện pháp xử lý hành chính đã bắt đầu chuyển sang tòa án quyết định, như biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa người nghiện ma túy không nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… ThS. Nguyễn Đức Hiếu, Khoa Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TPHCM, nhận xét các cơ quan hành chính nắm lượng lớn công việc liên quan đến xử lý VPHC, gây ra áp lực rất lớn với các cơ quan đó.
Trong khi đó, rất nhiều chủ thể có thẩm quyền xử lý VPHC nhưng họ không phải là người được đào tạo bài bản về pháp luật để đưa ra những phán quyết, đặc biệt là việc xử lý vi phạm của người chưa thành niên, một đối tượng rất dễ tổn thương trong xã hội. Quy trình xử lý và thẩm quyền xử lý VPHC cần được nghiên cứu và sửa đổi cho phù hợp theo hướng một phần các vụ việc và quyền quyết định xử lý VPHC, nhất là với người chưa thành niên, cần được chuyển sang tòa án.
Để đảm bảo khách quan, PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp đề nghị, cần nghiên cứu để áp dụng thủ tục tư pháp khi xử phạt những VPHC có mức phạt cao. So với tội phạm, rất nhiều VPHC có mức tiền phạt cao, giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu rất lớn; trong khi đó, việc áp dụng chế tài xử phạt VPHC có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản của cá nhân, tổ chức, nhưng lại chỉ bị xử lý theo trình tự, thủ tục hành chính mà không theo thủ tục tư pháp.
Không như cơ chế xét xử tại tòa án theo thủ tục tư pháp, việc xử phạt VPHC hiện nay chỉ do một người thực hiện (người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt VPHC), lại không có thủ tục xem xét lại tính đúng, sai của quyết định (như phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án). Như vậy, có thể có những sai sót không được phát hiện.
“Sẽ vô lý khi xử phạt hành chính với mức hàng trăm triệu đồng, thậm chí phạt đến 2 tỷ đồng, lại do một người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính thực hiện và theo thủ tục hành chính, không công khai, không tranh tụng…
Trong khi xử phạt hình sự chỉ có mấy triệu đồng (khi phạt tiền là hình phạt chính) thì lại do thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành theo thủ tục hình sự rất chặt chẽ, xác minh thu thập chứng cứ đầy đủ, có sự tham gia của người bào chữa và cả bên viện kiểm sát”, PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp so sánh. Đồng thời, đề nghị giao tòa án xử lý các vụ VPHC có mức tiền phạt cao, theo thủ tục rút gọn.
“Vòng đời” chế tài quá ngắn
Nhiều NĐ về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực được ban hành không chuẩn, thiếu tính khả thi và tính dự báo, dẫn đến phải sửa đổi thường xuyên, khiến hệ thống văn bản bị chắp vá, manh mún và không thống nhất. Đơn cử, trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, ngày 2/4/2010, Chính phủ ban hành NĐ 34/2010 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay thế NĐ 146/2007, chỉ sau 3 năm thi hành NĐ này. Và chỉ hơn 1 năm sau, Chính phủ lại phải ban hành NĐ 33/2011 để sửa đổi, bổ sung NĐ 34/2010.
Chưa hết, năm 2012, Chính phủ lại ban hành NĐ 71/2012 sửa đổi, bổ sung NĐ 34/2010. Tiếp theo, năm 2013, NĐ 171/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt ra đời; trong đó, Điều 76 đã xác định thay thế một số NĐ, trong đó có NĐ 34/2010 và NĐ 71/2012, nhưng lại không tuyên bố bãi bỏ NĐ 33/2011.
Nhưng cũng chỉ hơn 1 năm sau, NĐ 107/2014 ra đời, để sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ 171/2013. Đến năm 2016, Chính phủ lại tiếp tục ban hành NĐ 46/2016 để thay thế NĐ 171/2013 và NĐ 107/2014. Hiện nay, lại đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 46/2016.
Cần phạt lao động công ích và giam hành chính
Hiện nay, có 5 hình thức xử phạt VPHC: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm; trục xuất.
Nguyên tắc cơ bản của trách nhiệm pháp lý là sự công bằng trong việc truy cứu, nghĩa là áp dụng chế tài phải đảm bảo tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm. Trong khi đó, hiện nay việc xử phạt VPHC lại chưa đảm bảo sự tương xứng về tính chất với hành vi vi phạm. Ví dụ, theo NĐ 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vứt bỏ tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng; đại, tiểu tiện nơi công cộng bị phạt 1 - 3 triệu đồng… Quy định trên cho thấy các hành vi vi phạm đều có bản chất và nguyên nhân từ sự lười biếng của người vi phạm. Do đó, theo đúng nguyên tắc, hình thức chế tài được áp dụng ở đây phải là hình thức tạo ra sự bất lợi về sức lao động thì mới đảm bảo sự tương xứng về tính chất. Nhưng do thiếu hụt hình thức chế tài này nên NĐ hiện nay phải áp dụng phạt tiền - một biện pháp không cùng tính chất, không đảm bảo thực thi nguyên tắc xử phạt hành chính.
Hai hình thức xử phạt hành chính hiện nay được áp dụng nhiều nhất là phạt tiền và cảnh cáo, có hiệu quả giáo dục không cao. Bởi xử phạt cảnh cáo là quá nhẹ, trong khi phạt tiền chỉ có tính chất răn đe với người nghèo, còn người giàu sẵn sàng nộp phạt. Thậm chí, có tâm lý cứ sai thì “mua” bằng tiền.
Phạt lao động công ích và giam hành chính là hai hình thức xử phạt đã từng được quy định tại NĐ 143-CP ngày 27-5-1977. Vì vậy, nếu khôi phục, bổ sung 2 hình thức trên sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục của chế tài hành chính. Việc áp dụng 2 hình thức xử phạt này, thay cho phạt tiền, tác động trực tiếp tới ý thức người vi phạm, sẽ làm giảm bớt tâm lý đánh đổi “mua” bằng tiền. Tức người bị xử phạt phải trực tiếp bỏ công sức ra lao động, hoặc bị giam giữ, chứ không thể bỏ tiền ra nộp phạt để đánh đổi cho sự vi phạm.
Sức lao động và tự do là những thứ không thể thay thế được của người vi phạm; còn tiền bạc thì hoàn toàn có thể thay thế, thậm chí vay mượn để nộp phạt. Qua đó, 2 hình thức xử phạt này giúp việc thi hành xử phạt có tác dụng tích cực hơn trong việc hình thành ý thức pháp luật.
ThS ĐINH THANH PHƯƠNG (Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại)