Xuất hiện nhiều thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt

Theo Trịnh Ninh/baophapluat.vn

Tội phạm rửa tiền thường lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc…, sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền thu được từ các hoạt động tội phạm.

Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền. Nguồn: internet.
Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền. Nguồn: internet.

Sáng 31/5, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp cùng Ngân hàng nhà nước tổ chức công bố Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP (Nghị quyết số 03) ngày 24/5/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 7/7/2019.Theo báo cáo tại Hội nghị, rửa tiền là loại tội phạm khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đang có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt. 

Tội phạm rửa tiền thường lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc…, sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền thu được từ các hoạt động tội phạm.

Trước diễn biến đó, để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý hiệu quả tội phạm rửa tiền, BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Nhưng thực tiễn vẫn còn một số quy định chưa  thực sự rõ ràng, cụ thể.

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, minh bạch tài sản, thu nhập; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam trong công tác chống rửa tiền…, HĐTP TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết 03.

Nghị quyết 03 gồm 6 điều, trong đó đáng chú ý đã bổ sung, quy định cụ thể về một số tình tiết định tội (Điều 4), quy định rõ về hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết cũng nêu rõ về khái niệm tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền (ví dụ: Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản…).

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trên thế giới tội rửa tiền không còn xa lạ nhưng với Việt Nam đang còn mới. Việc ban hành Nghị quyết 03 tạo hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này, bởi tội rửa tiền liên quan tới hầu hết các loại tội phạm nguồn (ma túy, lừa đảo, tham nhũng…). 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh  Nghị quyết 03 có ý nghĩa phòng chống tội phạm, nâng cao tín nhiệm chế định tài chính của Việt Nam, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm tham nhũng, ma túy, rửa tiền… Để ban hành Nghị quyết, hơn 1 năm qua HĐTP đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức nhiều hội thảo trong và ngoài nước, thu được những góp ý quý báu của chuyên gia. 

Từ năm 2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền), đồng thời cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố. Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền.