Xuất khẩu có thể đã khác
(Tài chính) Nếu có cơ chế, chính sách tốt hơn, doanh nghiệp (DN) chuyên nghiệp hơn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 không chỉ dừng lại ở 133,5 tỷ USD.
Là đơn vị chuyên khai thác chế biến mặt hàng đá vôi trắng sử dụng làm phụ gia cho ngành công nghiệp sơn, nhựa, giấy, điều bà Hà trăn trở chính là thuế xuất khẩu của mặt hàng này. Bà cho biết, mặt hàng đá vôi trắng loại không phủ axít thì phải chịu thuế xuất khẩu, có phủ axít thì được xem như hóa chất và không chịu thuế xuất khẩu. Nhưng khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, với hàng có phủ axít thuế suất 19%, không phủ axít thì lại 4%.
"Tôi tham gia 3 hội chợ thương mại tại Ấn Độ thì thấy nhu cầu của họ rất lớn. Mặc dù, hàng Việt Nam họ nói tốt hơn nhưng hiện họ đang mua chủ yếu của Malaysia và Thái Lan bởi giá rẻ hơn. Ở Malaysia, thuế xuất khẩu của họ chỉ 3% và thuế nhập khẩu vào Ấn Độ là 0% vì giữa 2 nước này có hiệp định riêng cho mặt hàng này", bà Hà cho biết.
Trong khi đó, cước vận chuyển từ Việt Nam cũng cao hơn khiến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước. Đây cũng là lý do mỗi năm, các DN có thể khai thác khoảng 4 triệu tấn nhưng công suất thực tế chỉ khoảng 2 triệu tấn, trong đó 1 triệu tấn phục vụ nhu cầu trong nước, 1 triệu tấn còn lại để xuất khẩu thô.
Vấn đề trên không chỉ xảy ra với riêng DN của bà Hà mà còn là chuyện của nhiều ngành hàng khác. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong tất cả các yếu tố tác động đến hoạt động của DN như cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh… thì thị trường là yếu tố đầu tiên DN quan tâm nhất. Bởi không có thị trường, DN sẽ không vay vốn, không đổi mới công nghệ, không tuyển dụng lao động. "Các DN đang rất băn khoăn điều này. Tồn kho liên quan đến thị trường tiêu thụ, Bộ Công Thương cần đóng góp giải tỏa nỗi lo này", bà Hằng nói.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, công tác xúc tiến thương mại đang để hổng phía địa phương và DN. Khảo sát các địa phương của Nhật cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ở một địa phương của Nhật Bản có thể bằng cả Thái Lan. Đồng tình quan điểm này, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Chu Văn Chung đề xuất, một số địa phương của Việt Nam đã kết nghĩa với các tỉnh Hàn Quốc, quan hệ này cần đi vào thực chất hơn thông qua việc xây dựng chương trình hợp tác cụ thể hơn cho từng năm.
Ở mức độ hẹp hơn là hợp tác giữa DN với DN, Hàn Quốc cũng như các nền kinh tế phát triển khác, họ có rất nhiều rào cản, quy định khắt khe, đặc biệt với hàng nông sản. Tuy nhiên, nếu biết hợp tác với DN sở tại, nắm được thông tin, kênh phân phối và hợp tác cùng nhau sản xuất ở Việt Nam thì có thể đạt yêu cầu khắt khe nhất thị trường này, ông Chung khuyến cáo.
Cách tốt nhất hiện nay là nên kêu gọi đầu tư trực tiếp thông mua mua bán, sáp nhập DN. "Ở Nhật Bản có làn sóng cao tập trung vào hình thức này. Hơn nữa về kim ngạch đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật vào Việt Nam có 35% tổng vốn đầu tư qua hình thức mua bán sáp nhập", Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản nói.
Ở một góc độ thị trường khác, Tổng giám đốc Văn phòng chứng nhận Hana Việt Nam Trần Xuân Giáp chia sẻ, về tiềm năng thực phẩm rất lớn từ thị trường hồi giáo với gần 2 tỷ dân và 57 quốc gia. Tuy nhiên, ông tỏ ra lo lắng khi nhiều DN xuất khẩu, nhất như thủy sản, cung cấp giấy chứng nhận Hana có logo giả. Nếu cơ quan Việt Nam không xử lý sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại London cho rằng, DN Việt Nam cần phải chuyên nghiệp trong kỹ năng soạn thảo hợp đồng với đối tác phải rất chặt chẽ. Nếu không khi tranh chấp xảy ra rất khó xử lý.
Kỹ năng ngoại ngữ cũng là rào cản lớn. Thời gian qua, các thương vụ có nhận được một số trường hợp khiếu nại của DN, nhưng thư viết sang với trình độ ngoại ngữ không tốt. Chỉ cần đọc thư gửi, đối tác đã biết trình độ ngoại thương đến đâu và họ sẽ lựa chọn cách đối xử với DN thế nào. "Một số trường hợp khi có tranh chấp, DN viết thư lăng mạ đối tác nước ngoài. Tất nhiên, khi viết thế thì đối tác im lặng, hàng và tiền đều không đòi được. Nhưng nếu kiện lại thì họ hoàn toàn có chứng cớ về tội lăng mạ", bà Thủy khuyến cáo.