Xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ khó khăn hơn
Philippines là thị trường truyền thống chủ lực xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để giảm sự phụ thuộc vào gạo Việt sẽ khiến việc xuất khẩu gạo vào thị trường này gặp khó khăn hơn.
Áp lực cạnh tranh gay gắt
Philippines có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên phải nhập khẩu gạo từ nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines dẫn số liệu thống kê của Cục Thực vật, Bộ Nông nghiệp Philippines cho thấy, tính từ 1/1 - 14/3/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này là hơn 886.900 tấn, cao hơn khoảng 10,6% so với tổng lượng gạo nhập khẩu trong quý I.2023. Dự báo, trong năm nay, nước này nhập khẩu gạo khoảng 3,8 - 4 triệu tấn.
Trong tổng lượng gạo nhập khẩu kể trên, gạo từ Việt Nam vẫn chiếm lượng lớn nhất, với 493.900 tấn, chiếm 55,7%. Tiếp theo là gạo nhập khẩu từ Thái Lan với hơn 230.550 tấn, chiếm 26%; Pakistan là 109.803 tấn, chiếm 12,4%; Myanmar là 48.960 tấn; Cambodia là 1.620 tấn; Nhật Bản 1.800 tấn; Ấn Độ 235,5 tấn và từ Italy là 6,6 tấn. Số lượng gạo này được nhập bởi 109 công ty được Cục Thực vật cấp phép nhập khẩu.
Đáng chú ý, chỉ tính trong 14 ngày (từ 1 - 14/3), Cục Thực vật của nước này đã cấp 424 giấy chứng nhận kiểm dịch thông quan cho 358.188 tấn gạo nhập khẩu. Lượng gạo được cấp phép kiểm dịch thông quan này phải được nhập vào Philippines trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp phép.
Theo Cơ quan Thương vụ, những số liệu trên đã phản ánh sự thành công bước đầu của Chính phủ Philippines trong việc tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo, giảm sự phụ thuộc lớn vào gạo Việt trong bối cảnh biến động địa chính trị và bất ổn trên thế giới cùng sự thay đổi chính sách của một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn, điển hình như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Với việc đa dạng hóa nguồn cung gạo nhập khẩu của Philippines đồng nghĩa sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt hơn cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là với các đối thủ đến từ Thái Lan. Tính đến 7/3/2024, gạo Thái Lan xuất sang Philippines đạt 210.127 tấn, chiếm 26,47% thị phần và tăng so với cùng kỳ 2023. Đây là tín hiệu cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Philippines khi gạo Thái gia tăng thị phần, Cơ quan Thương vụ nêu.
Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Philippines phải đối mặt là trong năm nay, nước này được dự báo sẽ giảm lượng gạo nhập khẩu vì nguồn cung nội địa tăng.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, theo báo cáo của Cơ quan quản lý xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm nay ở mức 4 triệu tấn, thấp hơn 100.000 tấn so với sự báo trước đó. Nguyên nhân bởi El Nino dự báo sẽ giảm vào tháng 4 - 5/2024, qua đó giúp sản lượng sản xuất gạo của nước này đạt 12,125 triệu tấn trong năm nay.
Xây dựng hình ảnh, uy tín cho gạo Việt
Dù có nhiều thách thức, song xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung và sang thị trường Philippines vẫn có những tín hiệu lạc quan. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 1,08 triệu tấn, tương đương trên 735,58 triệu USD, giá trung bình 684,2 USD/tấn, tương ứng tăng 20,4% về lượng, tăng 55,7% về kim ngạch và tăng 29,4% về giá so cùng kỳ 2023. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Philippines nhiều nhất, với hơn 500.000 tấn, tương đương 337 triệu USD, tăng 24,4% về lượng, tăng 64,7% về kim ngạch.
Philippines được xác định sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của gạo Việt. Hiện, gạo Việt cũng có nhiều lợi thế tại thị trường này, như phẩm cấp, chất lượng phù hợp, đáp ứng thị hiếu cũng như nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp dân cư đông đảo có thu nhập trung bình và thấp; nguồn cung ổn định, khoảng cách địa lý, chi phí và thuận tiện trong chuyên chở, có niềm tin và mối quan hệ bạn hàng lâu năm.
Trong bối cảnh gạo Việt đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt do Philippines tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines lưu ý các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt, trước hết là về hình ảnh, uy tín để tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng, đối tác truyền thống; mở rộng tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu mới. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Cơ quan Thương vụ triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với chủ đề "Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024" diễn ra mới đây, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Quốc Toản xác nhận, hiện nay, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn chưa đa dạng về thị trường, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Indonesia… Các thương nhân gạo của nước ta cũng chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Do vậy, để tận dụng tốt cơ hội gia tăng thị phần tại các quốc gia còn nhiều tiềm năng, Bộ Công thương sẽ khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo; đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Bộ cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, ông Trần Quốc Toản thông tin.