Xuất khẩu gạo tiểu ngạch, mừng ít lo nhiều
(Tài chính) Đến thời điểm này, đã có thể khẳng định chắc chắn rằng, xuất khẩu (XK) gạo chính ngạch trong năm nay sẽ giảm hơn 1 triệu tấn so năm ngoái. Tuy nhiên, dù lượng gạo XK chính ngạch giảm mạnh nhưng nông dân vẫn tiêu thụ được hết lúa gạo hàng hóa. Có được điều ấy là nhờ vào XK tiểu ngạch.
Ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt, cho biết, sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay sẽ tương đương với năm 2012, tức là trên 24 triệu tấn. Như vậy, thông thường, nếu lượng gạo XK chính ngạch bị giảm tới trên 1 triệu tấn, sẽ ảnh hưởng lớn tới việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa của nông dân. Song điều này đã không xảy ra.
Theo Cục Trồng trọt, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang thu hoạch rộ lúa Thu đông. Đến ngày 21/11, đã có 550 ngàn ha (trên tổng diện tích xuống giống là 800 ngàn ha) được thu hoạch. Nhưng theo phản ánh của một số nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân thu hoạch tới đâu là tiêu thụ lúa ngay tới đó, không có tình trạng lúa bị ế đọng.
Không những thế, giá lúa Thu đông đang ở mức khá tốt. Giá lúa khô loại thường hiện ở mức 5.350-5.450 đ/kg, lúa khô hạt dài 5.650-5.750 đ/kg, giá lúa nhìn chung tăng nhẹ khoảng 50 đ/kg so với giữa tháng 11.
Không chỉ nông dân tiêu thụ được hết lúa hàng hóa, mà các doanh nghiệp cũng không bị tồn đọng nhiều gạo trong kho. Lượng gạo tồn kho hiện nay đang thấp hơn nhiều so với cuối năm ngoái. Có được điều ấy là nhờ lượng gạo XK tiểu ngạch trong năm nay tăng nhiều tới mức đột biến so với trước đây.
Gạo Việt Nam được XK tiểu ngạch theo 2 ngả. Thứ nhất là qua biên giới Tây Nam để “mượn đường” Campuchia mà sang Thái Lan, phục vụ cho một số đơn hàng XK của các doanh nghiệp nước này. Thứ hai là qua biên giới phía Bắc để sang Trung Quốc, và đây chính là hướng XK quan trọng nhất, mang tính đột biến nhất.
Năm ngoái, XK gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc ước chừng vào khoảng 400 ngàn tấn. 11 tháng năm nay, lượng gạo XK tiểu ngạch sang nước này đã nhảy vọt lên tới 1,4 triệu tấn, gấp 3,5 lần so với cả năm 2012.
Đến tháng 11, gạo đi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã giảm và đến giờ đã dừng lại, nhưng với lượng gạo đã xuất qua con đường này trong 11 tháng qua, đủ để khẳng định đây là năm đột biến về XK gạo qua đường tiểu ngạch.
Cũng trong 11 tháng đầu năm nay, lượng gạo XK chính ngạch đi sang Trung Quốc đã đạt mức xấp xỉ 2 triệu tấn. Như vậy, nếu cộng cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, đã có tổng cộng khoảng 3,4 triệu tấn gạo Việt Nam được XK sang nước này. Qua đó càng khẳng định Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của hạt gạo Việt Nam hiện nay.
Thế nhưng việc XK gạo qua đường tiểu ngạch tăng đột biến như trên lại đang gây ra mối lo ngại không nhỏ. Theo phân tích của một doanh nhân ngành gạo, sở dĩ khách hàng Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch là nhằm né chi phí lên đến 40 USD/tấn so với nhập khẩu chính ngạch.
Nhưng điều này lại tạo ra nguy cơ rủi ro không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam, do việc mua bán qua đường tiểu ngạch không cần hóa đơn gì cả. Nếu bị cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị phạt nặng.
Nhưng nỗi lo lớn nhất là sự ảnh hưởng tới chất lượng gạo XK nói chung. Bởi những thương nhân Trung Quốc mua gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch, thường khá dễ dãi về mặt chất lượng. Theo ông Trương Thanh Phong, họ không đòi hỏi nhiều về độ ẩm, màu sắc ... hạt gạo như nhập khẩu chính ngạch.
Do đó, về lâu dài, nếu XK gạo tiểu ngạch còn tiếp tục với số lượng lớn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng lúa gạo do nông dân Việt Nam sản xuất ra. Bởi nông dân sẽ không còn quan tâm nhiều tới việc phải sản xuất lúa gạo đạt chất lượng cao.