Xuất khẩu hụt thu tỷ USD, nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch chuỗi cung ứng


Đơn hàng đã có dấu hiệu trở lại nhưng thị trường vẫn trầm lắng, đây là lý do khiến nhiều ngành xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam có nguy cơ lỡ hẹn với mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ.

Xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 45 - 47 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 45 - 47 tỷ USD.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 45 - 47 tỷ USD.

Lỡ hẹn’ mục tiêu

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) bắt đầu nhận được tín hiệu tốt cho đơn hàng trong quý IV, khi hàng loạt nhãn hàng lớn quay trở lại mua hàng, giúp thị trường nóng trở lại.

"Chúng tôi kỳ vọng dịp Noel tháng 12 và Tết dương lịch, các thị trường nhập khẩu lớn sẽ thúc đẩy cho năm 2024 khi họ giảm bớt hàng tồn kho", Chủ tịch Vitas cho hay.

Tuy vậy, Chủ tịch Vitas cũng nhìn nhận, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với DN dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, Vitas xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Trong năm 2023, do tình hình khó khăn từ nội tại lẫn thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu điều năm 2023 xuống con số 3,05 tỷ USD. Trước thời điểm này, VINACAS cũng đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều giảm từ 3,8 tỷ USD theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT xuống còn 3,1 tỷ USD.

Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2023 xuất khẩu điều đạt 3,31 tỷ USD, cao hơn con số 3,05 tỷ USD mà ngành hạt điều đã điều chỉnh giảm kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 trước đó. Tuy vậy, so với mục tiêu kỳ vọng ban đầu, rõ ràng ngành điều vẫn "hụt thu" hàng trăm triệu USD.

Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều cũng như ngành điều Việt Nam, bởi nhiều lợi thế trước đây không còn nữa do áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn.

Tương tự, ngành gỗ cũng có đơn hàng trở lại trong hơn 2 tháng gần đây, nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 15/11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn giảm hơn 18%, dự báo cuối năm nay toàn ngành chỉ đạt khoảng 14,5 tỷ USD, thấp hơn kế hoạch đề ra khoảng 2,5 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phục hồi trong những tháng gần đây, mức suy giảm xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.

Mặc dù hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây do được hỗ trợ bởi các yếu tố như hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt hơn dự kiến, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đà phục hồi nhìn chung vẫn còn tương đối chậm và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng, trong khi tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét. 

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ cần thiết được thực hiện trong hai năm qua.

Theo dự báo ngày 29/11/2023 của OECD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 2,7%, thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 (dự báo đạt 2,9%) và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, không tính đến năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19.

Tại Mỹ, người tiêu dùng mặc dù mở rộng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, nhưng giảm chi tiêu tại các cửa hàng điện tử, đồ gia dụng - vốn là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam; kinh tế Mỹ quý III mặc dù tăng 5,2% nhưng phục hồi chưa bền vững, tiềm ẩn rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 (tháng 11, tổ chức xếp hạng Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”)….

Trong khi đó, nhiều báo cáo trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đề cập tới xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam). Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Nhìn từ câu chuyện của ngành dệt may, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết nhiều nhà mua hàng thế giới đã chuyển sang đặt hàng thiết kế thay vì đưa mẫu cho DN Việt Nam như nhiều năm trước. Đây cũng là thách thức với các DN dệt may Việt Nam trong việc chuyển từ gia công sang làm thiết kế.

Bên cạnh đó, phát triển xanh cũng là thách thức với ngành dệt may. Ông Giang kể vừa rồi có đoàn của Vitas đi sang thăm Bangladesh và thấy công tác truyền thông của họ rất tốt. Bangladesh có trên 4.000 DN dệt may và chỉ có 200 DN phát triển bền vững nhưng truyền thông tốt nên cả thế giới nghĩ rằng nền dệt may Bangladesh xanh hóa, vì vậy họ có đơn hàng.

Để hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường. 

Với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả Đề án “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại” tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ; tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân liên quan về pháp luật phòng vệ thương mại, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Theo Nhật Linh/vnbusiness.vn