Dệt may đạt kỷ lục về thị trường xuất khẩu


Dự kiến năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt trên 40 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ 2022. Dù vậy, năm nay lại chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục về thị trường xuất khẩu với 104 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là “trái ngọt” của mục tiêu chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng mà toàn ngành đã đề ra.

Xuất khẩu cả năm dự kiến trên 40 tỷ USD

Thông tin với báo chí sáng 23/11, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, trong 10 tháng qua, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 33 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, “chưa năm nào xuất khẩu thị trường nhiều như năm nay”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ. Theo đó, sản phẩm may mặc của Việt Nam đã xuất sang 104 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số này, thị trường Mỹ vẫn là chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng trên 11 tỷ USD; tiếp đến là Nhật Bản khoảng 3 tỷ USD; Hàn Quốc 2,43 tỷ USD; EU 2,9 tỷ USD; Canada 850 triệu USD…

Về mặt hàng xuất khẩu cũng có sự thay đổi. Trong 9 tháng qua, áo khoác (jacket) là mặt hàng chủ lực xuất khẩu với hơn 4,3 tỷ USD; quần các loại hơn 3,8 tỷ USD; áo thun các loại 3,85 tỷ USD; sơ mi 1,879 tỷ USD… Tính chung, Việt Nam đã xuất khẩu 36 mặt hàng sản phẩm may mặc các loại.

Để có được kết quả này, Chủ tịch VITAS cho rằng, trước tiên là nhờ toàn ngành đã nỗ lực thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, khách hàng và mặt hàng - được xác định là giải pháp mang tính chiến lược để khẳng định vị thế của dệt may Việt Nam. Cùng với đó, ngành đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững, trong đó các doanh nghiệp đã đầu tư để bảo đảm tuân thủ hiệp định thương mại tự do (FTA), hợp đồng thương mại cũng như điều khoản của các tổ chức đánh giá quốc tế; triển khai các giải pháp xanh hóa (đầu tư vào hạ tầng cơ sở để giảm phát thải nhà kính thông qua giải pháp chú trọng chuyển đổi hệ thống nồi hơi đốt bằng than, củi, dầu sang đốt bằng điện, lắp đặt hệ thống điện mặt trời…).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào phát triển công nghệ số, qua đó tạo sự minh bạch trong hoạt động, đáp ứng đòi hỏi của các nhãn hàng. Xác định sử dụng sản phẩm tái chế là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp cũng dần chuyển sang sử dụng sợi gai, sợi tre trong sản xuất hàng may mặc. Đặc biệt, nếu như trước đây, các nhãn hàng phải gửi mẫu thiết kế cho doanh nghiệp thì hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong khâu thiết kế mẫu và được nhãn hàng ghi nhận. Nhờ đó, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu suy giảm song lại ghi nhận sự bứt phá về thị trường cũng như đa dạng hóa về mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, tỷ trọng người lao động trong ngành vẫn giữ ổn định, dù nhiều đơn vị bị thiếu đơn hàng cục bộ.

Xây dựng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp thời trang

Nhìn nhận về triển vọng của ngành dệt may trong thời gian tới, các chuyên gia đánh giá, dịp Noel cũng như Tết Dương lịch 2024 sẽ thúc đẩy tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế, nhất là tại Mỹ, EU, Nhật Bản, qua đó góp phần giảm lượng hàng tồn kho. 

Theo lãnh đạo VITAS, để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu cho ngành dệt may, mục tiêu hàng đầu vẫn là phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng và mặt hàng. Tiếp đó, ngành đặt mục tiêu phát triển bền vững phải đi đối với thích ứng đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hóa, giảm phát thải nhà kính, thông qua việc chú trọng đầu tư để giảm dần nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch sang nồi hơi bằng điện; đầu tư công nghệ tự động hóa một số dây chuyền sản xuất thích ứng với việc giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao.

Một giải pháp quan trọng nữa là tập trung phát triển công nghiệp thời trang. Hiện, ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam đã có bước tiến và có tên trên bản đồ khu vực, bởi nếu không sẽ khó mở rộng thị trường xuất khẩu và đạt kim ngạch trên 40 tỷ USD cho cả năm nay - Chủ tịch VITAS xác nhận. Tuy nhiên, công nghiệp thời trang hiện vẫn thiếu chiến lược phát triển và chưa được đặt trong quy mô tổ chức chuyên nghiệp. Một phần nguyên nhân bởi thiếu nguồn nhân lực.

Do đó, VITAS kiến nghị Chính phủ cần định hướng chiến lược đào tạo phải gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thời trang; đồng thời, cần lấy trọng tâm là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm trung tâm công nghiệp thời trang của cả nước, trong đó sẽ quan tâm, có giải pháp chiến lược cho một số nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam không những làm chủ thị trường trong nước mà phải vươn ra thị trường thế giới.

Việc tận dụng các FTA cũng là cơ hội lớn để xuất khẩu ngành dệt may tiếp đà tăng trưởng. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp cần thích ứng nhanh với luật chơi toàn cầu thông qua việc chủ động phát triển mẫu, chủ động nguyên liệu đầu vào. Muốn vậy, phải xây dựng được liên kết chuỗi, bởi nếu không, dù có FTA nhưng nếu nguyên liệu vải, sợi không đủ thì sẽ khó tận dụng các ưu đãi.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn