Xuất khẩu năm 2014: Nhiều tín hiệu khả quan

Theo ktdt.com.vn

(Tài chính) Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam với tựa đề "Năm 2014 - Năm của các nhà xuất khẩu".

Xuất khẩu năm 2014: Nhiều tín hiệu khả quan
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có những kết quả khả quan. Nguồn: internet
Mặc dù năm 2014, hoạt động xuất khẩu được nhận định sẽ chịu không ít tác động từ những khó khăn của nền kinh tế, song nhiều chuyên gia kỳ vọng, với việc tiếp tục phát huy những mặt hàng thế mạnh, tận dụng những thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu cao vốn có, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục có những kết quả khả quan.

Cơ hội lớn

Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam với tựa đề "Năm 2014 - Năm của các nhà xuất khẩu". Báo cáo của Khối nghiên cứu Kinh tế của HSBC (HSBC Global Research) cho rằng, trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường nhiều nước, đặc biệt là thị trường EU, Mỹ… được cải thiện. Lý do rất đơn giản vì giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng 81% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Và thực tế cho thấy, từ một quốc gia luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại trong nhiều năm, hai năm gần đây, Việt Nam đã có thặng dư thương mại. 
 
Ngoài ra, năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng hơn: Tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến gần. Nếu đạt được thỏa thuận về vấn đề xuất xứ, bảo đảm theo quy định riêng của các nền kinh tế đang phát triển thì các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày sẽ có nhiều lợi thế hơn khi xuất khẩu vào thị trường TPP.

Trong khi đó, tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế chung của khu vực ASEAN (AEC) vào năm 2015 cũng đang đi đúng hướng và được đẩy nhanh tiến độ. Việc tham gia tích cực vào AEC sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trong khu vực và toàn cầu. Đây chính là cơ hội giúp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tiến sâu vào thị trường các nước trong khu vực với những ưu đãi về thuế quan và nhiều rào cản thương mại được gỡ bỏ.

Thêm vào đó, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và một số thị trường tiềm năng mới như khu vực Trung Đông, các nước châu Phi tăng mạnh trong những năm gần đây. Thực tế xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ tập trung vào một số nhóm mặt hàng chủ lực như điện thoại di động, hàng dệt may, máy vi tính,… chưa tận dụng hết cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng đang có nhu cầu lớn như vật liệu xây dựng, giày dép, dây điện, cáp điện, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm sữa, thực phẩm, nông sản… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam…

Không ít những thách thức

Nhiều cơ hội nhưng cùng với nó là không ít rủi ro, thách thức đối với hoạt động xuất khẩu trong năm 2014. Những thách thức đó đến từ: Sức ép từ các vụ chống bán phá giá và cạnh tranh từ các nước khác; việc Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu (những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng Yên và Euro giảm giá sẽ tác động không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam…

Ngoài ra, trong tiến trình hội nhập và tự do hóa thương mại ngày càng sâu rộng, trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước chính là năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, công nghệ sản xuất, chất lượng lao động còn thấp và yếu. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa kịp thời thay đổi, chưa tạo cơ sở pháp lý, môi trường kinh doanh vững chắc cho các doanh nghiệp để phù hợp với tình hình mới.

Nếu không tính toán, chuẩn bị kỹ thì các doanh nghiệp nội địa, nhất là các hộ kinh doanh cá thể sẽ phải chịu nhiều rủi ro, có thể phải ngừng hoạt động, bị phá sản. Điều này thể hiện rõ nhất khi tham gia vào AEC, các doanh nghiệp nội địa sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp có trình độ phát triển cao hơn trong khu vực ASEAN… Chính vì thế bên cạnh những chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường của Nhà nước, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động xây dựng chiến lược, giải pháp kinh doanh phù hợp nhằm tăng năng lực, chất lượng hàng hóa, tổ chức nghiên cứu đặc điểm của từng thị trường một cách kỹ lưỡng tránh những rủi ro có thể xảy ra.