Xuất khẩu: Nguy cơ phụ thuộc
(Tài chính) Dù xuất khẩu (XK) cả nước đạt kết quả ấn tượng nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn tỏ ra lo ngại bởi XK thời gian qua còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, công tác điều hành XK trong thời gian tới cần phải có thứ tự ưu tiên, có định hướng cụ thể, nhất là công tác dự báo rủi ro.
Ba “mối” phụ thuộc
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, XK cả nước trong năm 2013 tăng mạnh bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới chưa phục hồi và sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. XK cả năm dự kiến đạt 132,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Cơ cấu mặt hàng XK cũng có sự chuyển dịch tích cực: Nông thủy sản giảm từ 20% (2011) xuống 15% (2013); nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6% xuống 7,2%; công nghiệp chế biến tăng từ 61,2% lên 70,7%.
Nhìn vào bức tranh XK chung này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, XK đã có sự “bứt phá” của một số nhóm hàng mới. Trước kia, nông lâm thuỷ sản (sau dệt may giày dép) là mặt hàng truyền thống nhưng hiện trong bảng kim ngạch có nhiều mặt hàng nổi lên như điện thoại di động, máy vi tính, linh kiện điện tử, túi xách (trước chỉ đạt 125 triệu USD nhưng năm 2013 ước đạt 2 tỷ USD).
Bên cạnh đó, bức tranh XK sự đóng góp không nhỏ của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) khi khối DN này chiếm hơn 2/3 tổng kim ngạch XK của cả nước. Mặt khác, XK có được sự “bứt phá” là do các DN bắt đầu nắm bắt và tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua việc xin cấp C/O ưu đãi.
Đằng sau những con số này, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng tỏ ra lo ngại khi tình hình XK còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững. Trước hết là sự phụ thuộc quá lớn vào nhóm hàng, thậm chí vào một nhà sản xuất như mặt hàng điện thoại di động. Hiện kim ngạch 20 tỷ USD phần lớn là đóng góp lớn của Samsung.
Nhấn mạnh thêm về sự phụ thuộc này, ông Lê Quang Lân, Tham tán công sứ, Phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác cho hay, XK linh kiện điện tử ai cũng cho là thành công lớn của Việt Nam nhưng chúng ta có bao nhiêu % giá trị đóng góp cho sản phẩm đó. “20 tỷ USD chúng ta “kiếm” được 200 triệu USD đã là giỏi rồi, con số chắc còn ít hơn thế”, ông Lân nói.
Bên cạnh đó, nhóm hàng nông thuỷ sản và nhiên liệu phụ thuộc nhiều vào thời vụ, thời tiết, đặc biệt là giá bên ngoài. Ví dụ như mặt hàng gạo, cà phê, dù XK đứng thứ 2 trên thế giới nhưng lại bị phụ thuộc vào giá thế giới. Chính sự phụ thuộc này làm ảnh hưởng lớn đến giá XK gạo, cà phê nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung.
Đặc biệt, vấn đề nhập siêu triền miên từ Trung Quốc là nguy cơ không hề nhỏ. Theo ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại tại Trung Quốc, thị trường Trung Quốc đang là thị trường nhập siêu lớn của Việt Nam, chủ yếu là mặt hàng nguyên vật liệu như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng… Nguyên nhân chủ yếu của việc nhập siêu là do nhu cầu thiết bị, máy móc NK để sử dụng trong nước cũng như sản xuất hàng XK rất lớn và các ưu đãi thuế từ Hiệp định ACFTA, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng với sự khuyến khích từ Chính phủ Trung Quốc.
Phải dự báo rủi ro
Với những bất ổn của bức tranh XK như vậy, ông Trần Thanh Hải cho biết, chiến lược XK của Việt Nam đến năm 2020 cần tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, rà soát khuyến khích, tạo đột phá cho nhóm hàng mới và nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gia tăng, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Ông Hải cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu trong thời gian tới theo hướng: Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường; chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng XK; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics; kiểm soát nhập khẩu; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của hiệp hội ngành hàng.
Tuy nhiên, góp ý cho những quyết sách mà Bộ Công Thương đặt ra, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh đến công tác dự báo rủi ro. Ông Cường cho biết, ở Pháp, họ đưa ra nghiên cứu có tính khuyến nghị như tương lai của ngành công nghiệp X hay sản phẩm Y nào đó sẽ phát triển theo chiều hướng nào, có rủi ro về thoái trào của ngành và sản phẩm ấy hay không?
Có ngành và sản phẩm còn đang thịnh nhưng dự báo 10 đến 15 năm sản phẩm đó sẽ thoái trào để giúp cho nhà đầu tư đừng đầu tư vào đó nữa. “Việc dự báo cho tương lai từ 10 đến 15 năm thì từng
doanh nghiệp cụ thể, thậm chí cả ngành hàng cũng không làm được mà phải ở tầm vĩ mô của Chính phủ. Nên chăng cần có sự dự báo có tính chất cảnh báo rủi ro, nguy cơ để các doanh nghiệp nhận biết và không tập trung đầu tư cho những ngành, sản phẩm đó”, ông Cường khuyến nghị.
Còn theo ông Lê Quang Lân, chiến lược phát triển XK không phải chỉ thống kê những mặt hàng chủ lực XK hàng năm mà phải phân nhóm giá trị loại hàng hóa chúng ta đang đạt được. Ví dụ như, tỷ trọng hàng nông sản trong kim ngạch XK nông sản giảm đi coi như là một sự thành công, nhưng nếu nhìn giá trị, nông nghiệp đã tạo ra nhiều lần so với sản phẩm công nghiệp mà chúng ta coi là thành công (mặt hàng điện thoại là một dẫn chứng). Như vậy, tiêu chí đánh giá hiệu quả thương mại của ta cần thay đổi, nguồn lực và xúc tiến không có nhiều nên phải ưu tiên những sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều nhất.
Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Hoàng cho hay, cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam nói chung cơ cấu hàng hóa XK của Trung Quốc trong 5 năm tới khó có đột biến lớn. Nếu không có sự đầu tư cơ bản thì nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn tăng cao. Do vậy, cần thực hiện đồng bộ 3 giải pháp là nâng cao năng lực sản xuất nội địa, nâng cao chất lượng hàng hoá, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu xây dựng khu công nghiệp mang tính chất liên hoàn, tức là xây dựng khu công nghiệp tập trung vào nhóm hàng nhất định ví dụ như dệt may, linh kiện điện tử.