Xuất khẩu tháng cuối năm 2019 diễn biến ra sao?
Thuận lợi và thách thức đan xen, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong tháng cuối của năm 2019 nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Nhiều thuận lợi
11 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao. Hầu hết các thị trường trọng điểm của nước ta đều có kim ngạch XK tăng cao. Thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD, là con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Đến thời điểm này, chỉ còn 1 tháng nữa là hoạt động XK hoàn thành mục tiêu năm 2019. Nhận định về thị trường tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, thông thường kim ngạch XNK những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, tết Dương lịch, tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á…
Nhiều yếu tố thuận lợi sẽ đến với XK khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 FTA được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa XK của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.
Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 10/2019 đạt mức cao nhất từ đầu, với trị giá đạt 1,86 tỷ USD. Tính chung cho 10 tháng năm 2019, tổng trị giá vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn cổ phần đạt 29,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. FDI không chỉ giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm, mà còn thúc đẩy xuất khẩu, mang tới động lực tăng trưởng kinh tế...
Thách thức đan xen
Tuy nhiên, ảnh hưởng của kinh tế thế giới khiến hoạt động XK chưa hẳn hết khó. Cụ thể, nhiều tổ chức đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 21/11 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, đồng thời cho biết không thấy có dấu hiệu kinh tế toàn cầu năm 2021 phục hồi mạnh do những rủi ro từ căng thẳng thương mại. Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,9% năm 2020, giảm 0,1 phần trăm điểm so với dự báo tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua.
Trong tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,0% trong năm 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi lên 3,4% trong năm 2020, nhưng dự báo này vẫn thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 7/2019.
Chưa kể, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm.
Ngoài ra, XK các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Chỉ số PMI, đo lường sức khỏe của ngành chế biến chế tạo trong những tháng gần đây không mấy khả quan. Trong tháng 10/2019, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống chỉ còn 50 điểm – mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Điểm sáng là số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng đã có sự chậm lại rõ rệt.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng XK chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức như XK điện thoại các loại – mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm.
Trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, Bộ Công Thương cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực phối hợp với các bộ, ngành và chủ động cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục để hỗ trợ XK trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương, cho biết, trong 2-3 năm nay thì các thủ tục điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến lĩnh vực XNK đã được cắt giảm rất nhiều. Trong thời gian vừa qua, Bộ cũng đã tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trong trường hợp có những vướng mắc đối với DN có thể xử lý thì đề xuất biện pháp xử lý, đồng thời cũng tăng cường các biện pháp để hiện đại hóa công tác cải cách thủ tục hành chính và tăng cường đưa các thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến cũng như là kết nối một cửa quốc gia để giảm hơn nữa chi phí cũng như thời gian cho DN tham gia hoạt động XNK...