Xuất nhập khẩu 2021: 600 tỷ USD có trong tầm tay?
Trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu vẫn tăng cao. Đây là những tín hiệu tích cực trong bức tranh xuất khẩu những tháng cuối năm.
Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 53 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu đạt hơn 27 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 8/2021; nhập khẩu đạt 26,67 tỷ USD, giảm 2,5%. Dù vẫn đang giảm so với tháng trước nhưng tốc độ sụt giảm đã được cải thiện hơn nhiều. Xuất khẩu tháng 8 giảm 2,3% so với tháng 7/2021, trong khi nhập khẩu giảm tới 6,1%.
Hoạt động xuất khẩu tháng 9 có thêm những điểm sáng được ghi nhận. Điển hình là 2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất hiện nay gồm: điện thoại và máy vi tính tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Trong đó, điện thoại đạt 5,7 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng 8; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,77 tỷ USD, tăng 12,5%.
Các nhóm hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đang chứng kiến sự phục hồi đáng ghi nhận trong tháng qua như rau quả, thủy sản, hạt điều, gạo.
Sự phục hồi bước đầu của đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã tạo thêm một gam màu sáng với hoạt động xuất khẩu trong tháng 9. Tháng 9, xuất khẩu của địa phương này đạt 3,363 tỷ USD, tăng tới 33% so với tháng 8 trước đó, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 800 triệu USD.
Tính chung hết 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 484 tỷ USD, tương đương con số bình quân gần 54 tỷ USD/tháng.
Bộ Công Thương nhận định, xuất nhập khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen; trong đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 18,8% sau 9 tháng, là con số khá lớn. Trong khi đó, cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ tăng khoảng 7%. Tuy nhiên, hiện nay, tăng trưởng nhập khẩu đang lớn hơn với 30% và sau 9 tháng, cả nước đang nhập siêu 2,13 tỷ USD, tương đương 0,8% kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây là con số không đáng lo.
Theo ông Trần Thanh Hải, sau thời gian bị ảnh hưởng sâu, nhập siêu đã quay trở lại và đến thời điểm tháng 7, mức nhập siêu tương đối lớn, lên đến hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên đến tháng 8, mức nhập siêu chỉ còn hơn 100 triệu USD và tháng 9, xuất siêu đã quay trở lại với con số khoảng 500 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Một cơ sở khác tạo niềm tin vào sự hồi phục của xuất nhập khẩu là sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bởi thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta hiện nay, nhất là xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào sự đóng góp của doanh nghiệp FDI. Số liệu xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy rõ điều đó khi xuất khẩu của doanh nghiệp FDI 9 tháng qua đạt 176,6 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nửa cuối năm 2021, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kì xuất nhập khẩu hàng hóa và tín hiệu phục hồi của cầu hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản.
Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.
Như vậy, nhìn từ số liệu vừa qua cho thấy, để cán mốc 600 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm nay, quý 4 cả nước chỉ cần đạt 116 tỷ USD, tương đương gần 39 tỷ USD/tháng. Theo nhiều ý kiến thì đây là điều hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào kết quả trong 9 tháng qua, ngay cả thời điểm dịch bệnh phức tạp nhất, kim ngạch xuất khẩu khẩu của cả nước cũng chưa có tháng nào đạt dưới 40 tỷ USD.