Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và những yếu tố tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018 và nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Thương mại toàn cầu tăng chậm hơn dự báo do những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến phức tạp cùng với xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bài viết phân tích tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2018 và nửa đầu năm 2019 để thấy rõ hơn tình trạng này.
Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam 7 tháng đầu năm 2019
Theo đánh giá của nhiều tổ chức kinh tế, Việt Nam cùng với Malaysia và Ấn Độ là 3 quốc gia đứng đầu trong danh sách được cho là hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của Việt Nam cho đến nay là chưa nhiều. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt khoảng 288,47 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2019, lượng xuất khẩu dầu thô đạt khoảng 2.494 nghìn tấn (khoảng 1.285 triệu USD), tăng 8,7% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5,67 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2018. Hàng dệt may đạt 18,34 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Về giày dép các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,44 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2018. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng có mức tăng khá ấn tượng trong 7 tháng qua. Theo đó, tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng đầu năm 2019 lên gần 18,62 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Về nhập khẩu hàng hóa, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, ô tô nguyên chiếc các loại tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2019, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 88 nghìn chiếc, trị giá đạt 1,94 tỷ USD, tăng 365,6% về lượng và tăng 319,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; Lượng xăng dầu nhập khẩu đạt khoảng 5,14 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,15 tỷ USD, giảm 34,8% về lượng và giảm 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Các sản phẩm hóa chất đạt 3,03 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu vải các loại đạt 7,76 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, đến hết tháng 7/2019, cả nước đạt 20,85 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018. Nhập khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 28,2 tỷ USD, tăng 19% so với 7 tháng đầu năm 2018. Điện thoại các loại và linh kiện tính đến hết tháng 7/2019, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 7,06 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Qua phân tích tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2019 có thể đưa ra các nhận định sau:
Thứ nhất, trị giá xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ là nhờ tỷ lệ xuất khẩu từ các doanh nhiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khá. Trong khi đó, xuất khẩu từ khối doanh nghiệp (DN) trong nước lại có sự sụt giảm. Nhập khẩu của khối các DN FDI giảm sâu hơn so với khối các DN trong nước. Điều này cho thấy, tính hiệu quả trong hoạt động của khối DN trong nước.
Thứ hai, châu Á vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các DN Việt Nam, trong đó lớn nhất là Trung Quốc, tiếp theo là châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi. Do đó, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt thì Việt Nam chắc chắn sẽ chịu không ít ảnh hưởng.
Thứ ba, nhìn vào cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có thể thấy, cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Hàng công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, đóng vai trò quan trọng, kéo theo xuất khẩu của cả nước tăng trưởng.
Thứ tư, nếu như sau năm 2015 xảy ra tình trạng nhập siêu sâu, thì 3 năm liên tiếp gần đây, tình trạng xuất siêu được duy trì. Điều này cho thấy, những vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu được giải quyết.
Thứ năm, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này lớn đến mức Việt Nam càng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thì mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc càng tăng lên thông qua việc tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất... Về lâu dài, các hiệp định Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ đem lại những lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam nhưng trong ngắn hạn sẽ khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ các quốc gia này tăng lên đáng kể.
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam
Đánh giá chi tiết tác động tổng thể nhiều mặt từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi theo nghĩa tương đối và có một số cơ hội đáng kể trong cuộc chiến thương mại này. Tuy nhiên, các đánh giá này đều chỉ giới hạn ở phạm vi các biện pháp thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc sử dụng.
Các hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp bổ sung cho nhau vô hình chung làm tăng cơ hội xuất khẩu cho các nước thứ 3, trong đó có Việt Nam. Gia tăng bất định trong bối cảnh chiến tranh thương mại có thể cũng khiến các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới chuyển một phần hoặc toàn bộ các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đối mặt với không ít rủi ro, bất lợi. Do khó khăn về đầu ra, hàng Trung Quốc có thể được đẩy sang thị trường Việt Nam và cạnh tranh với hàng Việt Nam ở các thị trường thứ 3 khác. Dù là nước hưởng lợi, song Việt Nam cũng gặp phải nhiều bất lợi, đó là bị Mỹ và Trung Quốc giám sát, thậm chí thực hiện các hành động, chính sách ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vào các nước này. Rủi ro sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không duy trì được đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với các nền kinh tế lớn khác (như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Australia...) về đánh giá, dự báo và chính sách ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Việt Nam cần chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản để ứng phó
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau tuyên bố trên Twitter ngày 1/8/2019 của Tổng thống Donald Trump rằng, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD còn lại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 và mức thuế có thể tăng lên 25% sau này. Việc áp thuế lần này đã được Mỹ cảnh báo nếu phía Trung Quốc trì hoãn hoặc không thực hiện các cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Như vậy, có thể nói, nếu việc áp thuế lần này được thực hiện, gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (khoảng 550 tỷ USD) bị phía Mỹ áp thuế từ 10% đến 25%.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, giới chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, rà soát lại những quy định chính sách, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hóa nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới. Đặc biệt, cần lưu ý kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp xóa bỏ tình trạng hàng nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ; Tập trung các giải pháp tháo gỡ các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê, tránh để tồn tại những khác biệt lớn giữa số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (do Việt Nam công bố) và số liệu xuất khẩu sang Việt Nam (do Trung Quốc công bố); Tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thuận lợi, cạnh tranh hơn; Không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài; Hoàn thiện, cụ thể hóa tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác với các nước thuộc nhóm cường quốc để chia sẻ thông tin, đánh giá, kinh nghiệm ứng phó chính sách các quốc gia này đối với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến Mỹ- Trung, đồng thời, tiếp tục vận động ủng hộ cho thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương…
Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể và chủ động các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, sẽ khuyến khích DN xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, cũng như quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu hàng hóa từ các cửa khẩu tránh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa; Mặt khác, sẽ tổ chức các hoạt động kết nối DN xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các DN có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như: trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung triển khai các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập một cách hiệu quả và bền vững hơn nhằm t ăng cường sự tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA thế hệ mới; Tăng cường các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.
Một giải pháp lớn nữa nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đang được Bộ Công Thương quyết liệt triển khai, đó là tăng cường cơ chế trao đổi thông tin các cấp, chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để kịp thời xử lý, ứng phó.
Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Bộ Công Thương chủ trương đổi mới toàn diện xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn. Từ đó, hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể. Đồng thời, hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình thương hiệu quốc gia; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam và hỗ trợ phát triển các thị trường ngách đối với một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: bạch trà, cà phê hòa tan, gạo hữu cơ, tiêu trắng... sang Trung Đông, Liên bang Nga và Nam Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 7 đầu năm 2019 của Tổng cục Hải quan;
2. Bộ Tài chính (2018), Điểm tin kinh tế - tài chính quốc tế ngày 6/6, Kinh tế Tài chính thế giới;
3. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Diễn biến mới leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam?;
4. Hiếu Minh (2019), CIEM dự báo 3 kịch bản diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn;
5. Nhi Phạm (2019), Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây sức ép lên xuất khẩu của Việt Nam, https://www.forbesvietnam.com.vn;
6. Bown, C. P. (2018), Trump has announced massive aluminum and steel tariffs. Here are 5 hings you need to know, The Washington Post, https://www.washm tonpost.om;
7. Cheng, E. (2018), Trump proposes $100 billion in additional tariffs on Chmese products, CNBC, 5/4/2018.