Yên tâm về “sức khỏe tài chính” của nền kinh tế Việt Nam

PV.

Bất chấp Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu và hệ thống tài chính của nhiều quốc gia, Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao khi được xếp vào nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 tổ chức ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Thủ tướng đã đề cập đến việc sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được Tạp chí The Economist (Anh) đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19.

Cụ thể, vào tháng 5/2020, Tạp chí The Economist công bố bảng xếp hạng "sức khỏe" tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19. Việt Nam dược xếp là quốc gia mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh dựa trên 4 nhân tố: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Guatemala, nhưng đứng trước Ba Lan và Nigeria với các chỉ số nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối đều ở mức ổn định cho đến mạnh. Việt Nam không có chỉ số nào thuộc diện "báo động đỏ".

Thực tế cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được cả 3 tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới gồm S&P, Moody’s và Fitch tiếp tục giữ nguyên. Trong khi đó, có đến 40 quốc gia trên thế giới và trong khu vực bị hạ bậc tín nhiệm, 104 đợt hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia bởi 3 tổ chức này mà nguyên nhân chủ yếu do các gói hỗ trợ tài khóa phòng chống đại địch dẫn đến gánh nặng nợ công gia tăng mạnh tại các nước này.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, song Việt Nam đã thực hiện trả nợ của Chính phủ khoảng 171.474 tỷ đồng, bằng 46,8% kế hoạch đề ra. Các khoản nợ của Chính phủ đều được đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định số 1130/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2020-2022 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020. Chương trình này đề ra mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ; phấn đấu đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 51,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP, cơ cấu nợ nước ngoài trong tổng nợ công ở mức 40-45%; Thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước...

Về dữ trữ ngoại hối, thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD, như vậy, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.

Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, trong thời gian tới, cần tiếp tục cải cách thị trường tài chính, bao gồm cải cách theo hướng giảm nhẹ các thủ tục, quy định tiếp cận vốn, giảm chi phí và lãi suất vay vốn thực chất cho người dân/doanh nghiệp, khuyến khích ngân hàng và doanh nghiệp tái cấu trúc lại nợ theo hướng bền vững, giảm chi phí tài chính, tăng cường độ sâu tài chính; đồng thời phát triển thị trường vốn, nới điều kiện tiếp cận dòng tiền trên thị trường vốn cho doanh nghiệp, giảm phụ thuộc vào các trung gian tài chính, ngân hàng thương mại...

Tạp chí The Economist công bố bảng xếp hạng "sức khỏe" tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19. Việt Nam dược xếp là quốc gia mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh dựa trên 4 nhân tố: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối.