PGS.,TS. Trần Kim Chung:

Yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế thế giới năm 2021 và tác động đối với Việt Nam? (*)


Bối cảnh thế giới năm 2021 sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, từ đó sẽ có những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2020, kinh tế toàn cầu phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm.

Tình hình dịch bệnh vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều nước, nhiều khu vực (như châu Âu, Mỹ, Ấn Độ…). Nhiều quốc gia buộc phải tập trung nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh...

Quan hệ thương mại thế giới trở nên khó đoán định sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, kinh tế thế giới năm 2021 chịu ảnh hưởng của một số yếu tố gồm:

Thứ nhất, quan hệ kinh tế quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có những biến động và diễn biến khó lường. Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ dẫn đến nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.

Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường (đặc biệt là sự xuất hiện của các biến chủng mới), luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Việc triển khai các vắc-xin đang vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với cả quốc gia, các hãng lớn và các bên liên quan. Các quốc gia hiện nay đang thận trọng triển khai biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam cũng sẽ bị tác động.

Thứ ba, các quốc gia, các tổ chức quốc tế đang triển khai các gói hỗ trợ kinh tế lớn cũng như các chính sách ứng phó với dịch bệnh, với suy giảm kinh tế. Việc này có thể đạt được những thành công và triển vọng nhưng cũng có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng của các gói hỗ trợ này.

Thứ tư, xu hướng giảm đầu tư nước ngoài do dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại, đình trệ đầu tư, tạo tâm lý e ngại, trì hoãn mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm và hoạt động xuất khẩu giảm tiếp tục tạo nhiều thách thức cho hoạt động doanh nghiệp trong nước. Việt Nam là một trong những nước chịu sự tác động này.

Thứ năm, toàn thế giới cũng như các khu vực, mỗi quốc gia luôn tiềm ẩn những thuận lợi và khó khăn mới phát sinh và rất khó lường. Mỗi phát sinh đều có thể tác động đến kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vì vậy, cần theo sát, phát hiện và xử lý cũng như điều chỉnh. Việt Nam rất cần theo dõi sát tình hình, diễn biến.

(*) Trích lược từ bài "Các kịch bản kinh tế thế giới năm 2021" đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021.