Diễn đàn Kinh tế thế giới 2021 bàn "khôi phục niềm tin"
Do ảnh hưởng của đại dịch, Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay tập trung bàn về tỷ lệ thất nghiệp, mức độ nợ công, sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và tình trạng biến đổi khí hậu.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - hội thảo kinh tế thường niên diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ, chính thức khai mạc ngày 25/1, phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Việc tổ chức trực tuyến sự kiện đã ít nhiều tác động đến nội dung và hình thức của hội nghị.
Vào thời gian này hằng năm, các con phố của Davos và các khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết tập nập người qua lại. Thế nhưng năm nay, phố xá như vắng lặng, thưa thớt hơn.
Ngày 24/1, WEF 2021 đã được khởi động với sự kiện trao giải thưởng Crystal được tổ chức trực tuyến. Trước lễ trao giải, nhà sáng lập WEF Klaus Schwab đã đọc diễn văn khai mạc bằng thông điệp video, khẳng định 2021 sẽ là một năm thế giới thoát khỏi đại dịch một cách "linh hoạt hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn".
Giải thưởng Crystal nhằm mục đích vinh danh các nghệ sĩ có đóng góp tiêu biểu nhằm cải thiện hiện trạng của thế giới. Năm nay, kiến trúc sư người Anh gốc Phi David Adjaye và nghệ sĩ nhiếp ảnh Brazil Sebastiao Salgado là những người được vinh danh.
WEF hiện kì vọng có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo hình thực trực tiếp tại Singapore vào tháng 5 tới.
Cuộc họp trực tuyến của WEF có chủ đề: "Một năm quan trọng để khôi phục niềm tin". Tâm điểm của cuộc họp sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 25/1 - ngày khai mạc sự kiện. Ngoài Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng tham dự cuộc họp. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo của châu Âu dự kiến cũng sẽ tham dự cuộc họp là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự cuộc họp dù chính quyền mới đã cam kết hồi sinh chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ sau 4 năm duy trì cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump. Thay vào đó, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ Jonh Kerry sẽ tham dự cuộc họp.
Trong báo cáo Nguy cơ toàn cầu (GRPS) 2021 được công bố ngày 19/1, WEF nêu rõ đại dịch COVID-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng về con người và kinh tế; đe dọa đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được trong nhiều năm qua trong giảm nghèo và bất bình đẳng; tiếp tục làm suy yếu gắn kết xã hội và hợp tác toàn cầu.
Hầu hết những ý kiến phản hồi khảo sát GRPS đều cho rằng các dịch bệnh truyền nhiễm và các cuộc khủng hoảng trong đời sống là những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn. Nguy cơ suy yếu gắn kết xã hội do đại dịch Covid-19 và tình trạng mất việc làm cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng trong dài hạn.