Yếu tố nào sẽ giúp châu Á đứng đầu tăng trưởng thương mại toàn cầu?
Châu Á cung cấp nhiều loại hàng hóa mà các hộ gia đình và doanh nghiệp cần đến nhằm vượt qua đại dịch COVID-19, trong đó có thiết bị bảo hộ cá nhân, laptop cũng như xe đạp.
Dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục hồi phục nhanh từ sau đại dịch COVID-19 trong năm nay và năm sau, châu Á công bố xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất so với các khu vực khác còn châu Phi tụt lại phía sau, theo nhận định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố mới đây.
Dự báo mới nhất của WTO công bố ngày thứ Hai cho thấy bản chất không cân bằng của tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19, nhóm các nước nghèo gánh chịu tình trạng hồi phục thương mại yếu nhất, chủ yếu bởi họ thiếu điều kiện tiếp cận vắc xin.
WTO dự báo rằng xuất khẩu hàng hóa của châu Á vào cuối năm 2022 sẽ tăng trưởng được 18,8% so với 2 năm trước đó trong khi xuất khẩu của châu Phi chỉ tăng 1,9%. WTO cho rằng xuất khẩu Bắc Mỹ sẽ tăng trưởng 8% còn xuất khẩu châu Âu dự kiến tăng được 7,8%.
Giám đốc WTO, ông Ngozi Okonjo-Iweala, nhận xét: “Quá trình phục hồi của thương mại mạnh nhưng thiếu cân bằng giữa các khu vực. Các khu vực nghèo hơn với cộng đồng dân số có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp hiện đang tụt lại phía sau”.
Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa sụp đổ trong những tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19 khi mà các biện pháp phong tỏa khiến cho các nhà máy đóng cửa và mạng lưới giao thông trên khắp thế giới vận hành khó khăn. Dòng chảy thương mại bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2020 và sau đó đến cuối năm 2020 đã trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19.
Châu Á cung cấp nhiều loại hàng hóa mà các hộ gia đình và doanh nghiệp cần đến nhằm vượt qua đại dịch COVID-19, trong đó có thiết bị bảo hộ cá nhân, laptop cũng như xe đạp.
Kết quả, châu lục này dẫn đầu sự phục hồi về thương mại bởi đây là nơi tập trung rất nhiều trung tâm sản xuất lớn của thế giới như Trung Quốc hay Hàn Quốc. WTO cho rằng ở thời điểm cuối năm nay, xuất khẩu của châu Á sẽ cao hơn 147% so với cuối năm 2019, còn xuất khẩu từ Bắc Mỹ, vốn chủ yếu từ Mỹ, sẽ vẫn thấp hơn so với ngưỡng trước đại dịch COVID-19.
Một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng tăng trưởng thương mại cao sẽ vẫn tiếp tục tại nhiều khu vực của châu Á kể cả sau năm tới, chủ yếu bởi nguồn cung người lao động thấp dồi dào.
HSBC, ngân hàng có lịch sử nhiều năm hoạt động tại châu Á, dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến năm 2026 có thể đạt 13%, không tính đến việc giá cả tăng. Tỷ lệ này với Bangladesh và Sri Lanka lần lượt ở mức 12,9% và 10,1%. HSBC dự báo tăng trưởng thương mại của Trung Quốc sẽ thấp hơn, ở mức khoảng 5,6%, gần tương đương với mức tăng của Mỹ và châu Âu.
Dù rằng thương mại toàn cầu bất ngờ sụp đổ vào đầu năm 2020 và sau đó mới hồi phục lại, WTO không tin đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những tác động dài hạn lên vai trò của xuất nhập khẩu trong kinh tế toàn cầu.
Ở thời điểm cao điểm của toàn cầu hóa vào thập niên 1990 khi mà doanh nghiệp trên toàn thế giới chia sản xuất ra nhiều quốc gia khác nhau, khối lượng thương mại toàn cầu tăng trưởng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP. WTO tin rằng tỷ lệ đó sẽ gần tương đương nhau trong năm nay và tiếp tục xu thế này trong những năm tới.
Dù đại dịch không khiến cho toàn cầu hóa tăng lên, nhưng cũng không làm cho toàn cầu hóa giảm đi. Nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách từng cho rằng những yếu tố gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ khiến cho nhiều công ty buộc phải rút ngắn chuỗi cung ứng hoặc đưa sản xuất trở lại nước họ.
“Đại dịch đã cho thấy rằng chúng ta liên kết và phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Chuỗi cung ứng phức tạp và có nhiều linh kiện/phụ tùng mà chỉ có một số nước hoặc một số nhà cung cấp nhất định sản xuất ra”, chuyên gia kinh tế tại HSBC – bà Shanella Rajanayagam phân tích.
WTO tin rằng các yếu tố gây nghẽn trong mạng lưới vận tải toàn cầu sẽ giảm đi trong những tháng tới bởi xét đến việc những công ten nơ mà các công ty vận tải đặt vào đầu năm nay giờ đã đến thời điểm giao hàng.