06 nhiệm vụ trọng tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật dự trữ quốc gia trong giai đoạn tới

PV.

Những năm qua, khung khổ pháp luật dự trữ quốc gia (DTQG) ngày càng đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dự trữ nhà nước (DTNN). Nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, ngành DTNN chú trọng triển khai 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật DTQG.

Tổng cục DTNN tổ chức Hội nghị phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước cho toàn thể cán bộ, công chức trong Ngành (ngày 22/4/2021). Ảnh: Văn Trường
Tổng cục DTNN tổ chức Hội nghị phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước cho toàn thể cán bộ, công chức trong Ngành (ngày 22/4/2021). Ảnh: Văn Trường

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật theo Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2011-2020, ngành DTNN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một trong những kết quả nổi bật đã đạt được là việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Luật DTQG (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013).

Triển khai thực hiện Luật DTQG, đến nay, Tổng cục DTNN tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật với tổng số 54 văn bản quy phạm pháp luật về DTQG được cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, 01 nghị quyết quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 03 nghị định của Chính phủ; 02 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ và 48 thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn, quy định cụ thể về các hoạt động DTQG.

Cùng với hệ thống pháp luật về DTQG, các văn bản hướng dẫn pháp luật, tiêu chuẩn định mức, quy chế quản lý nội ngành cũng được Tổng cục DTNN tập trung xây dựng, ban hành để thực hiện thống nhất, góp phần triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật trong hoạt động DTQG.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN cũng đã xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện quy định pháp luật về DTQG, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng DTQG và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng mặt hàng DTQG phù hợp với yêu cầu quản lý và công nghệ bảo quản mới.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DTQG; bảo đảm chủ động về số lượng hàng DTQG phục vụ yêu cầu xuất cấp và quản lý chất lượng hàng DTQG theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ khâu mua sắm, nhập kho, đến khâu bảo quản và kiểm tra chất lượng trước khi xuất kho đưa vào sử dụng...

Nhìn chung, trong những năm qua, ngành DTNN đã hoàn thành nhiệm vụ tốt nhiệm vụ trọng tâm đề ra theo Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2011-2020. Hệ thống pháp luật DTQG đã tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý DTQG từ khâu hình thành, nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, xuất cấp đến các điều kiện bảo đảm hoạt động quản lý DTQG.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật DTQG, ngành DTNN chú trọng 06 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thường xuyên rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật DTQG; trọng tâm là rà soát, đánh giá các quy định của Luật DTQG, quy định danh mục chi tiết hàng DTQG tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật DTQG và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG.

Hai , xây dựng hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các thể chế mang tính chiến lược phát triển của ngành DTNN, như: Quy hoạch tổng thể kho DTQG đến năm 2030; Chiến lược DTQG đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040.

Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý hàng và kho DTQG, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG; hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG, định mức chi phí nghiệp vụ DTQG; hoàn thiện quy định về mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG phù hợp với các pháp luật liên quan và đặc thù hàng hóa DTQG; xây dựng quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG và quy định về tiêu chuẩn kho DTQG của từng bộ, ngành phù hợp với đặc thù quản lý các mặt hàng DTQG và tiến bộ khoa học - kỹ thuật bảo quản hàng DTQG.

Bốn là, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DTQG.

Năm là, hoàn thiện quy định về danh mục hàng DTQG và phân công quản lý hàng DTQG phù hợp với mục tiêu, tiêu chí hàng DTQG và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật chung; trình cấp có thẩm quyền Nghị định thay thế Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật DTQG.

Sáu, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về DTQG, đặc biệt là chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Trung ương cho DTQG; chính sách khuyến khích, xã hội hóa hoạt động DTQG; chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ bảo quản hàng DTQG.