Tô đậm thêm truyền thống 65 vẻ vang và hào hùng của ngành Dự trữ Nhà nước

Minh Hà

65 năm trước, ngày 7/8/1956, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) được thành lập với tên gọi là Cục Quản lý dự trữ vật tư của Nhà nước. Từ đó đến nay, ngành DTNN đã luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân ta và không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phát huy vai trò đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc gia.

Ngành Dự trữ Nhà nước với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi huy động, đưa vào dự trữ lương thực, tiền vàng, muối ăn, đạn dược…; để phục vụ các yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và kịp thời hỗ trợ cứu đói cho Nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn trao Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì cho Vụ Chính sách và Pháp chế và Vụ Tài vụ - Quản trị thuộc Tổng cục DTNN có thành tích xuất sắc (tháng 8/2020)
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn trao Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì cho Vụ Chính sách và Pháp chế và Vụ Tài vụ - Quản trị thuộc Tổng cục DTNN có thành tích xuất sắc (tháng 8/2020)

Điển hình là Lời kêu gọi “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Tuần lễ vàng”, “muối quý hơn vàng” đã tạo lập nguồn lực quan trọng đáp ứng yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ. Dù những hoạt động này thực chất là hoạt động dự trữ quốc gia (DTQG), nhưng ngành DTNN ra đời muộn hơn.

Hoạt động DTQG đã xuất hiện manh nha khi chính quyền nhân dân non trẻ vừa ra đời cùng lúc phải đối diện với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, song dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh triển khai hàng loạt chính sách tài chính vừa cấp bách, vừa lâu dài, quyết tâm thoát khỏi đêm trường nô lệ mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Sau hơn 1 năm giành chiến thắng vang dội trên đại ngàn Tây Bắc, đến tháng 9/1955, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Nghị quyết phiên họp, trong đó có đoạn: “Phải xây dựng được một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra”.

Trên tinh thần của Nghị quyết này, ngày 13/1/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 663/TTg về tổ chức lực lượng dự trữ vật tư nhà nước, với danh mục 27 loại hàng hoá thiết yếu, phân công cho các bộ trực tiếp bảo quản và giao Ủy ban Kế hoạch quốc gia theo dõi chung.

Để thống nhất quản lý hoạt động của lực lượng dự trữ vật tư, ngày 7/8/1956, Chính phủ ban hành Nghị định số 997-TTg về thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư của Nhà nước.

Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngành DTNN (ngày 8/7/2021)
Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngành DTNN (ngày 8/7/2021)

Thời gian đầu thành lập, tổ chức bộ máy của Cục Quản lý vật tư nhà nước tuy còn đơn giản, khối lượng hàng hóa ít ỏi (với 27 loại hàng hoá thiết yếu); hệ thống bảo quản hàng hóa thiết yếu hầu hết là kho lán tạm, cơ chế quản lý dự trữ cũng chưa được hình thành...

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành DTNN đã luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện cụ thể qua các giai đoạn lịch sử.

Giai đoạn 1956-1960: Cục Quản lý Vật tư nhà nước vừa thực hiện tiếp nhận hàng hóa, kho tàng, vừa đẩy mạnh nhập tăng cường hàng hóa dự trữ; xây dựng hệ thống kho chứa 64.000 tấn thóc, 25.000 tấn muối, 12.160 m2 kho chứa vật tư thiết bị.

Đồng thời, xuất cấp 160.000 tấn lương thực cung cấp cho cán bộ nhà nước, công nhân viên, quân đội, cứu đói cho dân, thóc giống cho sản xuất nông nghiệp và hàng vạn tấn kim khí, xi măng, hóa chất, thuốc tân dược, thiết bị, săm lốp... cho các công trình trọng điểm.

Giai đoạn 1961-1975: Để đáp ứng cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, DTNN đã chuyển đổi phương thức quản lý, chuyển giao một số hàng hóa dự trữ cho các bộ, ngành trực tiếp quản lý, phân tán, sơ tán hàng hóa dự trữ, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đảm bảo an toàn cho DTQG, đồng thời tăng cường quy mô dự trữ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, bình quân tổng giá trị hàng dự trữ trong những năm 1970-1975 đã tăng từ 5-7 lần. Tổng giá trị hàng hóa xuất kho phục vụ các lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu chiếm 28,5%, cho các lực lượng phục vụ chiến đấu chiếm 65,1% cho sản xuất và dân sinh chiếm 6%... góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giai đoạn 1976-1988: Hòa bình lập lại, kiến thiết đất nước và chuyển sang thời kỳ đổi mới, hệ thống DTNN đã không ngừng xây dựng củng cố tiềm lực và phát triển lớn mạnh.

Năm 1988, Hội đồng Chính phủ quyết định đổi tên Cục Quản lý Vật tư nhà nước thành Cục DTQG (tại Nghị định số 142/HĐBT ngày 08/9/1988 về Quy chế quản lý DTQG). Theo đó, Chính phủ phân công 9 bộ quản lý hàng DTQG.

Nhìn chung, giai đoạn từ 1956-1988, DTNN đã hình thành hệ thống kho, tích luỹ nguồn lực hàng hoá dự trữ lớn, góp phần quan trọng cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, từ sau công cuộc đổi mới của đất nước đến năm 2000, hoạt động DTQG đã luôn phát huy vai trò đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện tốt các nhiệm vụ khác được Đảng và Nhà nước giao phó.

Dấu ấn 65 năm dự trữ quốc gia và 21 năm về “mái nhà chung” Bộ Tài chính

Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành DTNN có một mốc son lịch sử quan trọng là ngày 24/8/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 102/2000/QĐ-TTg chuyển Cục DTQG về trực thuộc Bộ Tài chính.

Cán bộ ngành Dự trữ  Nhà nước luôn vận chuyển, xuất cấp gạo DTQG kịp thời hỗ trợ người dân.
Cán bộ ngành Dự trữ  Nhà nước luôn vận chuyển, xuất cấp gạo DTQG kịp thời hỗ trợ người dân.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới, Bộ Tài chính đề xuất nâng cấp Cục DTQG thành Tổng cục DTNN, các đơn vị DTQG khu vực được đổi thành Cục DTNN khu vực, thành lập thêm 4 Cục DTNN khu vực, nâng tổng số Cục DTNN khu vực lên 22 đơn vị tại các địa bàn chiến lược trên cả nước.

Trong cơ cấu, tổ chức bộ máy của các cục DTNN khu vực có các chi cục DTNN trực thuộc. Như vậy, đến nay, sau 21 năm về “mái nhà chung” Bộ Tài chính (2000-2021), hệ thống DTQG đã hoàn thiện với 3 cấp quản lý và có những bước phát triển vượt bậc trên các mặt công tác.

Cụ thể, trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về DTQG, kể từ khi Pháp lệnh DTQG số 17/2004/PL-UBTVQH11 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2004) đến Luật DTQG năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013), đến nay, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về DTQG đã được Tổng cục DTNN tham mưu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức bộ máy phù hợp với bối cảnh mới, ngày 20/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN trực thuộc Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh phát triển mới cũng như để phù hợp với Luật DTQG đã đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện và đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục DTNN; theo đó, ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN thuộc Bộ Tài chính.

Mặt khác, ngành DTNN đã luôn thực hiện tốt việc quản lý, điều hành, xuất cấp, phân phối, sử dụng hàng DTQG.

Điển hình như trong năm 2020, trong cùng một thời điểm mà người dân ở nhiều địa phương phải đối diện với tác động của dịch bệnh COVID-19 trong khi nhân dân các tỉnh miền Trung, vừa ứng phó với bão lũ nặng nề...

Giữa những khó khăn đan xen, thách thức lớn đặt ra, trong khoảng thời gian này, Tổng cục DTNN đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, nêu cao tinh thần tận tình phục vụ, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo đó, năm 2020, Tổng cục DTNN đã xuất cấp trên 132.000 tấn gạo, giá trị gần 1.400 tỷ đồng; xuất cấp vật tư, thiết bị cho bộ, ngành, địa phương để phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, Tổng cục DTNN đã xuất cấp kịp thời các mặt hàng với tổng trị giá khoảng 650 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, trong hành trình 65 năm hình thành và phát triển, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành DTNN luôn nỗ lực hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để ghi nhận những thành tích, đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành DTNN, Tổng cục DTNN đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (2006); Huân chương Độc lập hạng Nhất (2015); Cờ thi đua của Chính phủ (2016). Nhiều đơn vị, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập và Huân chương lao động các hạng; 111 tập thể, đơn vị thuộc Tổng cục DTNN được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính do có thành tích xuất sắc trong công tác (2020)...

Tiếp tục phát huy vai trò đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin cho Nhân dân

Phát huy những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục rà soát, đánh giá Luật DTQG và các văn bản hướng dẫn thi hành để hoàn thiện khung pháp lý về DTQG, trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Cùng với đó, Tổng cục DTNN tiếp tục rà soát, đánh giá quy trình nhập, xuất, mua, bán hàng DTQG; đề xuất cấp có thẩm quyền mua lương thực nhập kho theo phương thức đấu giá, đảm bảo nhập, xuất, mua, bán hàng DTQG công khai, minh bạch.

Tổ chức quản lý kho tàng, hàng hóa DTQG chặt chẽ, an toàn; trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho giám sát, quản lý hệ thống kho DTQG và hàng hóa DTQG; bảo đảm sử dụng kho tàng, hàng hóa DTQG đúng mục đích, có hiệu quả.

Ngoài ra, Tổng cục DTNN tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý hàng hóa DTQG phù hợp với tình hình mới; sắp xếp, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực theo vị trí việc làm; Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn ngày càng cao…

Thành tích đạt được đã tô đậm thêm truyền thống 65 năm vẻ vang và hào hùng của ngành DTNN. Với bề dày lịch sử 65 năm truyền thống, tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành DTNN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng ngành DTNN ngày càng phát triển bền vững.

Trong hành trình 65 năm hình thành và phát triển, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành DTNN luôn nỗ lực hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để ghi nhận những thành tích, đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành DTNN, Tổng cục DTNN đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (2006); Huân chương Độc lập hạng Nhất (2015); Cờ thi đua của Chính phủ (2016); nhiều đơn vị, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập và Huân chương lao động các hạng; 111 tập thể, đơn vị thuộc Tổng cục DTNN được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính do có thành tích xuất sắc trong công tác (2020)...