10 năm Việt Nam gia nhập WTO: Những vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực tài chính
Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (tháng 1/2007) đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận các thị trường thế giới, thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tự do hoá tài chính. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cho Việt Nam cũng không nhỏ với việc phải tuân thủ những cam kết rất rộng. Trong đó, việc tuân thủ các cam kết này cũng có tác động tới lĩnh vực tài chính, đồng thời đặt ra nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách như chính sách tài khoá, chính sách quản lý giá, quản lý thị trường dịch vụ tài chính…
Một số cam kết chính của Việt Nam trong WTO
Về thuế quan: Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết giảm mức thuế bình quân từ mức 17,4% vào năm 2007 xuống còn 13,4% và thực hiện dần trong vòng từ 5 đến 7 năm. Về cơ bản, đến năm 2015, Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết WTO với hầu hết các mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm thuế, riêng một số mặt hàng: ô tô, xe máy và phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy sẽ thực hiện cắt giảm thuế vào năm 2018.
Việt Nam đồng ý ràng buộc mức trần cho toàn bộ biểu thuế, trong đó cam kết cắt giảm khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5% số dòng của Biểu thuế nhập khẩu) từ năm 2007 đến năm 2019 (thuế suất cắt giảm, thời điểm cắt giảm tùy thuộc từng dòng thuế).
Về dịch vụ tài chính: Với WTO, các cam kết trong trong lĩnh vực dịch vụ tài chính được cụ thể hóa theo từng phân ngành như: Bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán với hai trọng tâm chính: (i) Các dịch vụ được cung cấp; (ii) Hình thức hiện diện thương mại của phía nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, về lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam cam kết cho phép các công ty bảo hiểm nước ngoài mở văn phòng đại diện, liên doanh (từ năm 2007); được thành lập doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (từ năm 2008); mở chi nhánh (từ năm 2012). Tuy nhiên, cũng có quy định một số hạn chế về vốn góp của bên nước ngoài và một số dịch vụ kinh doanh.
Về chứng khoán, Việt Nam cho phép các công ty chứng khoán nước ngoài mở văn phòng đại diện, liên doanh (từ năm 2007); Thành lập DN 100% vốn nước ngoài, mở chi nhánh (từ năm 2012). Tuy nhiên, cũng có một số quy định hạn chế về vốn góp của bên nước ngoài và một số dịch vụ kinh doanh. Về ngân hàng, Việt Nam cho phép thành lập chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) nước ngoài, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam và ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2007, tuy nhiên, vẫn thực hiện các quy định thận trọng nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các NHTM trong nước (hạn chế vốn góp, dịch vụ được phép cung cấp...).
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Các cam kết tài chính khác:
- Định giá trị hải quan: Việt Nam cam kết thực hiện Hiệp định trị giá hải quan trong khung khổ Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ và trong khung khổ WTO. Theo đó, nguyên tắc xác định giá trị tính thuế nhập khẩu là giá trị giao dịch.
- Chính sách giá: Cam kết thực hiện chính sách quản lý giá theo hướng tăng cường tính tự chủ và quyền tự định đoạt giá của DN căn cứ trên cơ sở nguyên tắc thị trường; Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì việc công bố danh mục các hàng hóa và dịch vụ chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước cũng như bất kỳ thay đổi nào đối với danh mục trên sau khi gia nhập WTO.
- Các cam kết khác như đảm bảo công khai minh bạch số liệu về cải cách, cổ phần hóa DN nhà nước, chính sách mua sắm, đấu thầu của DN nhà nước;
- Chính sách trợ cấp: Đối với chính sách trợ cấp, Việt Nam cam kết bỏ các hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách đối với xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu – chủ yếu là chương trình thưởng xuất khẩu; bảo lưu thời hạn quá độ 5 năm (trừ đối với ngành dệt may) đối với các ưu đãi đầu tư dành cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã cấp trước ngày gia nhập WTO.
- Chính sách phí và lệ phí: Việt Nam sẽ áp dụng các loại phí và lệ phí đối với các dịch vụ được cung ứng, được thu cho hoặc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu phù hợp với các quy định của WTO, chủ yếu là các điều chỉnh liên quan đến điều chỉnh các loại phí hải quan. Đồng thời, một số thành viên có ý kiến phí sử dụng cơ sở hạ tầng cơ bản của Việt Nam cao so với các nước trong khu vực và Việt Nam đã thực hiện cắt giảm từ trước khi gia nhập WTO (Quyết định số 88/2004/QĐ-BTC ngày 12/11/2004).
Những tác động sau 10 năm gia nhập WTO
Tác động đến thị trường tài chính
Việc trở thành thành viên của WTO đã mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam, cụ thể là:
- Thị trường bảo hiểm: Thực hiện cam kết WTO, các yếu tố cấu thành thị trường bảo hiểm Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2007 đến nay, hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã được rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong quá trình tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và WTO nói riêng. Luật Kinh doanh bảo hiểm được sửa đổi, bổ sung vào năm 2010 đáp ứng việc thực hiện những cam kết trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, các cam kết gia nhập WTO và những điều chỉnh của các luật liên quan khác.
Quy mô các DN bảo hiểm nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung đều tăng. Tuy nhiên, thực tiễn tham gia WTO cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức đối với thị trường và các DN bảo hiểm Việt Nam như: Thị trường tái bảo hiểm trong nước vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của DN tái bảo hiểm nước ngoài, các DN tái bảo hiểm sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh hơn từ các DN tái bảo hiểm nước ngoài; Hệ thống giám sát vẫn thiếu đồng bộ và chưa xây dựng được cơ chế cảnh báo sớm.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
- Thị trường chứng khoán (TTCK): Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) ra đời vào năm 2007 nhấn mạnh vào nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là các cam kết song phương và đa phương đã góp phần đưa TTCK Việt Nam phát triển theo hướng tích cực, thực hiện vai trò huy động, phân bổ vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam. Mức vốn hóa của TTCK năm 2017 đã đạt tỷ lệ trên 70% GDP, là mức cao nhất từ khi thị trường mở cửa.
TTCK trong nước được hưởng lợi nhờ việc tiếp cận kinh nghiệm, thông lệ quốc tế của các nước đi trước trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp dồi dào tới từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng làm tăng quy mô và thanh khoản của TTCK.
Khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, từ đó, huy động được tối đa nguồn lực vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN), cho đầu tư phát triển và mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của các loại hình DN. Tuy nhiên, đi kèm với tác động tích cực, cũng có những tác động tiêu cực nhất định đối với TTCK trong nước khi chưa hội đủ các yếu tố cơ bản để phát triển bền vững và chống đỡ những biến động lớn.
Thị trường tiền tệ ngân hàng: Gia nhập WTO tạo động lực cho cải cách và đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng. Kể từ sau khi chuyển đổi hệ thống ngân hàng từ mô hình một cấp thành mô hình hai cấp, khung pháp lý cho các hoạt động trong hệ thống ngân hàng từng bước được xây dựng và hoàn thiện với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015” cũng đã và đang được triển khai với 3 vấn đề trọng tâm gồm: ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng; Lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tổ chức, hoạt động, quản trị hệ thống ngân hàng… Đây là những đột phá mới để phát triển hệ thống ngân hàng trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tiễn hội nhập cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác điều hành, giám sát hoạt động ngân hàng nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Tác động đến thu ngân sách nhà nước
Gia nhập WTO yêu cầu nước thành viên phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa nên thu NSNN bị ảnh hưởng lớn:
Một là, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, trong khi tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN ngày càng tăng. Mức thu bình quân từ hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2001-2006 đạt 258,75 nghìn tỷ đồng; sau khi gia nhập WTO mức thu ngân sách cao nhất chỉ đạt 239 nghìn tỷ đồng vào năm 2014 và đến 2017, đạt trên 297 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu thu NSNN từ năm 2007 đến nay chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, tạo nguồn thu bù đắp cho phần giảm thuế nhập khẩu hàng hóa.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Hai là, việc cắt giảm mức thuế nhập khẩu đã làm giảm trực tiếp số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, đặc biệt là giai đoạn 5 năm trở lại đây. Xét về cơ cấu thu NSNN, giai đoạn từ năm 1999 đến nay, thu NSNN từ xuất nhập khẩu có xu hướng giảm, từ khoảng 24% bình quân giai đoạn 1995-1999 (khi chưa thực hiện cắt giảm thuế quan theo AFTA) xuống còn 20% bình quân giai đoạn 2000-2010 và 18% bình quân giai đoạn 2011-2016.
Ba là, việc cắt giảm thuế tạo tác động trực tiếp, làm giảm nguồn thu NSNN từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đồng thời cũng làm giảm thu NSNN từ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hàng nhập khẩu do hai loại thuế này được xác định trên giá hàng hóa nhập khẩu đã tính đến thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, xét theo chiều ngược lại thì thuế nhập khẩu giảm làm giảm giá hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu, từ đó làm tăng kim ngạch nhập khẩu và tăng nguồn thu từ thuế nhập khẩu, thuế GTGT và thuế TTĐB hàng nhập khẩu. Vì thế, kể từ khi Việt Nam bắt đầu cắt giảm thuế quan đến năm 2011, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu liên tục tăng, đặc biệt kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007.
Bốn là, việc cắt giảm thuế có thể ảnh hưởng gián tiếp làm giảm thu NSNN từ thuế GTGT, thuế TTĐB hàng sản xuất trong nước, do giá cả hàng nhập khẩu giảm, nhu cầu tiêu thụ hàng nhập khẩu tăng, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng trong nước giảm xuống. Mặc dù vậy, nếu nhìn một cách tích cực, thuế nhập khẩu giảm làm giá hàng hóa nhập khẩu giảm, các DN trong nước phải phấn đấu hạ giá thành sản phẩm và giá cả hàng hóa, điều này có thể khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, giúp tăng nguồn thu từ thuế GTGT và thuế TTĐB đối với hàng sản xuất trong nước.
Đề xuất và khuyến nghị giải pháp
Sau 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đã trải qua không ít khó khăn thách thức. Với mong muốn hạn chế những tác động bất lợi, đồng thời tranh thủ tối đa cơ hội của quá trình hội nhập, bài viết đề xuất, kiến nghị một số giải pháp sau:
- Về thị trường tài chính:
+ Tiếp tục thực hiện mở cửa thị trường tài chính một cách hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế; Chủ động tham gia thị trường tài chính quốc tế; Thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các thị trường tài chính theo chiều sâu trên cơ sở đa dạng hóa các định chế tài chính, các hàng hóa trên thị trường tài chính.
+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh, hiệu quả theo các mục tiêu, định hướng và giải pháp đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.
+ Phát triển các công cụ tài chính mới như sản phẩm trái phiếu liên kết, giảm thiểu rủi ro, hoặc đa dạng hóa loại hình quỹ đầu tư.
+ Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách để phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch, hiệu quả và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế theo các mục tiêu, giải pháp đã được xác định trong Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2020; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và áp dụng các quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quy trình nghiệp vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN bảo hiểm trong hội nhập.
+ Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, hệ thống các NHTM của các ngân hàng này trong quá trình hội nhập.
- Về cải cách thể chế:
+ Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo lộ trình đề ra. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các DN đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới.
+ Thường xuyên, kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực mà Việt Nam là thành viên.
+ Tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, chính sách, các quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
+ Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Giám sát chặt chẽ việc ban hành và áp dụng các giấy phép, điều kiện kinh doanh.
- Về tài chính – ngân sách:
+ Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế.
+ Tiếp tục xây dựng và cải cách hệ thống chính sách thuế theo hướng bền vững, với việc ban hành và củng cố các sắc thu nội địa gắn với sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng cơ sở đánh thuế, giảm mức thuế suất, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh để tạo nguồn thu bền vững cho NSNN trong quá trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết hiệp định thương mại tự do.
+ Trong bối cảnh hội nhập và thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan, chính sách thu NSNN tiếp tục được điều chỉnh theo hướng huy động từ thuế và phí ở mức hợp lý, kết hợp với sửa đổi, bổ sung các chính sách thu nội địa phù hợp với sự phát triển của đất nước, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN để bù đắp số giảm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu do tác động từ việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập quốc tế.
Thực hiện cơ cấu lại chi NSNN với lộ trình cụ thể và cam kết chính trị đủ mạnh, đồng thời thực hiện cải cách căn bản phương thức quản lý nguồn lực NSNN theo hướng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ; Khắc phục cho được tình trạng phân bổ và quản lý nguồn dựa theo đầu vào.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 296/BC-CP của Chính phủ về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam gia nhập WTO, trang 69;
2. Bộ Công Thương (2013), “Báo cáo quốc gia phục vụ rà soát thương mại trong khuôn khổ WTO”, tháng 9/2013;
3. Lưu Đức Huy (2014), “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khi gia nhập WTO”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ;
4. ThS. Vũ Chi Long và ThS. Trần Thị Thu Huyền (2016), “Đánh giá 10 năm hội nhập tài chính trong khuôn khổ WTO và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Bộ Tài chính;
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2015), “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO”;
6. http://www.mof.gov.vn.