10 sự kiện nổi bật của ngành Hải quan năm 2018
Năm 2018 được đánh giá là năm có nhiều điểm sáng của ngành Hải quan với các nỗ lực cải cách hiện đại hoá, dấu mốc về kim ngạch xuất nhập khẩu. Ngành Hải quan đã tổng kết và công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2018.
1. Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018
Tính đến ngày 26/12/2018, tổng số thu thuế của toàn ngành Hải quan đạt 309.871 tỷ đồng, bằng 109,5% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh (283.000 tỷ đồng) và đạt 105,76% chỉ tiêu phấn đấu Ban cán sự Đảng BTC giao (293.000 tỷ đồng). Tổng cục Hải quan phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 313.000 tỷ đồng, bằng 110,6% dự toán, bằng 106,8% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm trước.
Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai nhiệm vụ thu NSNN, giao chỉ tiêu phấn đấu thu NS và giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố; đồng thời triển khai các giải pháp quản lý thu NSNN, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan; đặc biệt chú trọng công tác chống gian lận qua trị giá, thuế suất, xuất xứ, công tác thu hồi xử lý nợ đọng thuế.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; tích cực phối hợp với các Bộ, ngành triển khai cơ chế hải quan một cửa quốc gia; Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận với 39 ngân hàng thương mại, trong đó có 24 ngân hàng thương mại đã triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Dự kiến số thu thuế của ngành Hải quan qua hệ thống ngân hàng phối hợp thu (thuế điện tử) đến 31/12/2018 đạt 297.300 tỷ đồng.
2. Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm.
Về công tác kiểm soát hải quan, trong năm vừa qua, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 16.633 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 9,54 % so với cùng kỳ năm 2017); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.702 tỷ 417 triệu đồng (tăng 115,61 % so với cùng kỳ 2017). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 62 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 133 vụ (tăng lần lượt 21,57% và 95,59% so với cùng kỳ 2017). Cùng với các cơ quan chức năng khác, lực lượng kiểm soát hải quan đã phanh phui nhiều vụ việc vi phạm gây nhức nhối trong dư luận như vấn đề nhập khẩu trái phép phế liệu, ma túy, tiền chất, các sản phẩm động vật hoang dã, hàng tiêu dùng. Điển hình là việc xác minh, phát hiện Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Xây dựng Hồng Việt sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép hơn 100 nghìn tấn phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 55 tỷ đồng. Vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03)-Bộ Công an tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Ngoài tiềm ẩn những nguy cơ gây hại đến môi trường, các lô hàng phế liệu còn là môi trường lý tưởng để các loại tội phạm cất giấu, trung chuyển hàng cấm. Điển hình là 2 vụ việc:
(1) Ngày 24/7/2018 Tại Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 100 bánh cocain, trọng lượng khoảng 100kg cất giấu trong containers chứa sắt phế liệu của Công ty CP Thép Pomina 2, Khu Công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
(2) Trong 2 ngày 05 và 06/10/2018 tại Chi cục HQCK Cảng Đà Nẵng, Chi cục HQCK Cảng Đà Nẵng chủ trì, phối hợp Đội Kiểm soát CBL khu vực miền Trung (Đội 2) – Tổng cục Hải quan; lực lượng Công an và Biên phòng Tp Đà Nẵng đã phát hiện Công ty TNHH Thiên Trường Sử cất giấu 1803,7 kg ngà voi, 6334,2 vảy tê tê và 10164 kg nhựa phế liệu trong lô hàng được khai báo là nhựa phế liệu. Hiện hồ sơ đã chuyển cho cơ quan công an khởi tố vụ án.
3. Tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại”
Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” diễn ra ngày 24/7/2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới. Đây là động lực quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất của Chính phủ hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, hiệu lực; nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp, tổ chức, người dân.
Kể từ khi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đến nay, đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ chủ trì Hội nghị chuyên đề về vấn đề này với sự tham gia của đại diện lãnh đạo của nhiều ban ngành Trung ương như: Văn phòng Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban đối ngoại Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ ngành và đại diện Lãnh đạo của các địa phương trọng điểm về kinh tế, thương mại; đại diện các tổ chức quốc tế lớn như: WB, ADB, các đại sứ quán của các nước ASEAN, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…; đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.
Đây là cũng là lần đầu tiên tất cả các đơn vị, bộ, ngành có liên quan tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, đánh giá toàn diện thực trạng của thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; kết quả thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành nhằm xây dựng chiến lược phát triển Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp lành mạnh, bền vững.
Việc tổ chức thành công Hội nghị “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” đã tạo ra bước ngoặt lớn khi đưa ra những định hướng, mục tiêu, giải pháp lớn, mang tính hệ thống, đồng bộ của Chính phủ thúc đẩy việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại trong giai đoạn 2018-2020.
4. Hoàn thiện thể chế về chính sách Hải quan, ban hành nhiều chính sách quan trọng có tính đột phá.
Bên cạnh các hoạt động cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế về hải quan, cụ thể:
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP; Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;...
Bộ Tài chính đã ban hành một số Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 59/2018/NĐ-CP, các văn bản liên quan: Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...
Các văn bản trên đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục công cuộc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động XNK hàng hóa. Đặc biệt, với việc ban hành các văn bản này đã góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hoá trong các quy trình nghiệp vụ hải quan; sửa đổi và đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động XNK hàng hoá, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải. Ngoài ra, các văn bản này cũng hướng tới đảm bảo rõ ràng, cụ thể, minh bạch trong quy định và thống nhất thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Cụ thể: Quy định cụ thể việc ứng dụng CNTT trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa phương tiện vận tải, chế độ quản lý, giám sát hải quan. Theo đó, giao dịch, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và người khai hải quan được thực hiện thông qua môi trường điện tử góp phần hạn chế các phiền hà, tiêu cực, sách nhiễu có thể xảy ra trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Thay đổi phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan, quy định cụ thể chứng từ thuộc hồ sơ phải nộp, xuất trình, lưu giữ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính để đảm bảo tính đồng bộ trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử; Sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, quản lý hải quan đối với một số loại hình hàng hóa, địa điểm làm thủ tục; Sửa đổi một số nội dung liên quan đến phương pháp xác định trị giá hàng xuất khẩu, quy định về cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập đầu tiên theo từng phương thức vận chuyển để làm cơ sở xác định trị giá hải quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, tạo sự chủ động cho DN trong việc xác định nghĩa vụ thuế...
5. Ban hành Quyết định 2799/QĐ-TCHQ ngày 26/9/2018 về việc ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan.
Trước đây việc kiểm tra công vụ và xử lý hành vi vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan chưa có Quy chế chung thống nhất thực hiện. Việc kiểm tra công vụ và xử lý hành vi vi phạm đối với công chức Hải quan dựa trên nhiều văn bản quy phạm pháp luật và một số các quy định khác nhau, do vậy khi thực hiện dẫn đến tình trạng chưa có sự thống nhất trong toàn Ngành.
Việc ban hành Quyết định 2799/QĐ-TCHQ ngày 26/9/2018 về việc ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan đã kế thừa các văn bản, quy định trước đây; tổng hợp các ý kiến tham gia của các đơn vị trong toàn ngành; căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tế để xây dựng Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan.
Mục tiêu quan trọng được Tổng cục Hải quan đặt ra trong Quy chế này là chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của CBCC hải quan khi thực thi công vụ, minh bạch trong xử lý vi phạm của CBCC. Quy chế này cũng cụ thể hóa các quy định của pháp luật, đảm bảo thuận lợi cho việc thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật và phòng, chống tiêu cực trong ngành Hải quan. Công chức hải quan sẽ nhận thức rõ ràng hơn tính tuân thủ, chuyên nghiệp trong thực thi công vụ và những điều mà mình không được làm. Quy chế gồm 04 Chương, 41 Điều, định danh hơn 400 hành vi vi phạm. Tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm gây ra là chế tài xử lý tương ứng kèm theo, từ hình thức nhắc nhở, phê bình đến hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Đây là Quy chế lần đầu tiên ngành Hải quan Việt Nam xây dựng và thực hiện (hiện chưa có bất kỳ Bộ, Ngành nào xây dựng và áp dụng).
6. Tổ chức thành công Tọa đàm: “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành”
Ngày 21/6/2018, Tổng cục Hải quan đã tổ chức buổi Tọa đàm: “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành”, với sự tham gia của hơn 60 đại diện đến từ các tập đoàn, tổng công ty, DN lớn, tổ chức đại diện cho DN có hoạt động XNK thường xuyên, tích cực… Buổi Tọa đàm thể hiện quyết tâm của Tổng cục Hải quan trong việc thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Với mong muốn hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), cơ quan hải quan đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, hướng dẫn cho DN. Khuyến khích cộng đồng DN hợp tác xây dựng cơ quan Hải quan ngày càng trong sạch, vững mạnh. Chủ động, tích cực thành lập các kênh kết nối với cộng đồng DN để cộng đồng DN có thể kịp thời phản ánh, góp ý đối với hoạt động của cơ quan Hải quan các cấp. Thường xuyên tổ chức các hội nghị DN theo chuyên đề, qua đó thu hút đúng đối tượng DN đến tham gia. Các cuộc đối thoại từng bước được chuyển biến về cách thức tổ chức, nội dung đối thoại, để thực sự trở thành công cụ hữu ích trong việc giải quyết các bất đồng giữa các bên. Bên cạnh việc tiếp nhận, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc tại trụ sở, cơ quan Hải quan đã chủ động, tích cực thiết lập các kênh kết nối với cộng đồng DN để cộng đồng DN kịp thời phản ánh, góp ý thông quan: Đường dây nóng, hòm thư góp ý tại cơ sở, bộ phận tiếp dân…
Tại buổi Tọa đàm “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành” cơ quan Hải quan đã nhận được rất nhiều ý kiến của DN, tổ chức đại diện DN, theo đó các ý kiến đều thống nhất đánh giá cao những cải cách hành chính, chính sách của ngành Hải quan trong thời gian qua, việc Tổng cục Hải quan tổ chức buổi Tọa đàm là thể hiện quyết tâm lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng DN trong giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng DN thời gian tới.
Thông qua Tọa đàm, Tổng cục Hải quan đã gửi tới cộng đồng DN thông điệp là chủ đề buổi tọa đàm, đồng thời cũng là tuyên ngôn thực hiện quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp hiện nay và những năm tiếp theo đó là: “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành” trong quá trình CCHĐH hải quan; trong xây dựng, thực hiện, giám sát thực thi pháp luật hải quan.
7. Tổng cục Hải quan dẫn đầu Bảng xếp hạng về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Tổng cục Hải quan ngay từ đầu năm đã tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Trong đó, điển hình là triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển và cảng hàng không; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai rộng rãi đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; nâng cấp các hệ thống CNTT đáp ứng Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC (như Hệ thống Ecustoms5; Hệ thống gia công, sản xuất xuất khẩu; Hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM….).
Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan cũng nỗ lực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; tích cực đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Có thể nói, các ứng dụng công nghệ thông tin đã được Tổng cục Hải quan áp dụng trong mọi hoạt động nghiệp vụ, đóng góp quan trọng vào công tác quản lý của Ngành.
Với những nỗ lực không ngừng, Năm 2018, Tổng cục Hải quan lần thứ hai liên tiếp được ghi nhận là đơn vị dẫn đầu trên Bảng xếp hạng về ứng dụng CNTT ngành Tài chính theo Báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT ngành Tài chính năm 2018 (chỉ số ICT Index ngành Tài chính 2018).
ICT Index ngành Tài chính được Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) thực hiện, trên cơ sở thu thập số liệu, phân tích, đánh giá và đưa ra Báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính. ICT Index ngành Tài chính 2018 gồm 3 chỉ số thành phần chính đó là: Hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng nhân lực và ứng dụng CNTT (ứng dụng nội bộ và dịch vụ công trực tuyến).
8. Triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM.
Điều 41 Luật Hải quan 2014 đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh cảng phải có sự kết nối, trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý Hải quan hiện đại, nhu cầu cần được cung cấp thông tin trước khi tàu và hàng hóa đến là rất quan trọng để áp dụng phương pháp rủi ro trong quản lý hải quan. Do đó, từ 15/08/2017, Tổng cục Hải quan bắt đầu triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng. Tính đến đầu năm 2018, hệ thống VASSCM đã triển khai tại 04 Cục Hải quan (Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu), 74 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng.
Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng hệ thống VASSCM ra phạm vi toàn quốc. Tính đến tháng 12/2018, hệ thống VASSCM đã triển khai tại 25/35 Cục Hải quan, tại 65 chi cục Hải quan và cho 276 doanh nghiệp kinh cảng, kho hàng không, kho ngoại quan và các kho bãi, địa điểm khác. Việc triển khai hệ thống VASSCM đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả cơ quan Hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và các doanh nghiệp hoạt động XNK như:
Đối với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng: Giảm bớt chi phí quản lý, tổng hợp, báo cáo về hàng hóa ra, vào, tồn trong khu vực giám sát Hải quan của;
Đối với doanh nghiệp XNK giảm thủ tục, chi phí: Khi nhận hàng tại khu vực kho, bãi, cảng, doanh nghiệp XNK không phải xuất trình chứng từ để cơ quan Hải quan kiểm tra, xác nhận trên Hệ thống và chứng từ giấy như trước đây mà doanh nghiệp XNK chỉ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng;
Đối với cơ quan Hải quan: quản lý toàn bộ quá trình từ khi hàng hóa được khai báo trên thông tin manifest điện tử (đối với hàng nhập khẩu), đưa vào cũng như đến khi ra khỏi khu vực giám sát hải quan và vận chuyển về các địa điểm giám sát khác; Kịp thời nắm bắt các diễn biến, thông tin thay đổi nguyên trạng bao bì đóng gói hàng hóa, vị trí lưu giữ hàng hóa, theo dõi hàng tồn.
9. Triển khai đánh giá năng lực công chức chuyên môn nghiệp vụ đang công tác trong 06 lĩnh vực nghiệp vụ chính: Giám sát quản lý, Thuế XNK, Chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Quản lý rủi ro, Xử lý vi phạm từ Tổng cục đến 07 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm trong ngành. Ngày 24, 25/11/2018, kỳ đánh giá năng lực công chức đầu tiên trong toàn Ngành đã được tổ chức tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh.
Triển khai các Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ, Chỉ thị 3957/CT-TCHQ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ngày 12/05/2016, căn cứ kết quả thí điểm hoạt động cải cách nguồn nhân lực tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2017; năm 2018, Tổng cục Hải quan đã xây dựng quy trình đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo; tập trung nguồn lực xây dựng và thẩm định 09 bộ đề đánh giá năng lực của ngành với gần 5700 câu hỏi, bài tập tình huống với nhiều cấp độ khó khác nhau.
Việc xây dựng hệ thống đánh giá năng lực công chức trực tuyến theo hình thức trắc nghiệm với bộ đề chuyên môn được xây dựng dựa trên các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng được quy định tại các khung năng lực chuyên môn của từng vị trí việc làm là hệ thống đánh giá năng lực công chức đầu tiên trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam. Mục đích của việc đánh giá năng lực năm 2018 là tạo phong trào học tập, đào tạo, nâng cao năng lực công chức; dần tiến tới ứng dụng vào việc bố trí, sắp xếp, điều động luân chuyển công chức phù hợp với năng lực; đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc.
Ngày 24, 25/11/2018, kỳ đánh giá năng lực chính thức đầu tiên đã được tổ chức thành công tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Kết quả đánh giá năng lực công chức đã cơ bản phản ánh đúng năng lực thực tiễn của cán bộ công chức tại đơn vị. Qua đó bước đầu khẳng định được phương pháp, cách thức, bộ đề đánh giá năng lực năm 2018 đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo kế hoạch, trong tháng 12/1018 và tháng 01/2019, Tổng cục tiếp tục tổ chức đánh giá năng lực tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 06 Vụ/ Cục chuyên môn nghiệp vụ chính của Tổng cục. Dần tiến tới trong năm 2019, 2020 sẽ tiếp tục đánh giá tại các Cục Hải quan còn lại.
10. Chính phủ ban hành Nghị Quyết về việc gia nhập công ước ISTANBUL về tạm quản hàng hóa
Công ước Istanbul của Tổ chức Hải quan Thế giới về tạm quản hàng hóa được coi là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm tạo thuận lợi thương mại với hơn 100 nước thành viên đã gia nhập. Căn cứ đề xuất của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa. Sự kiện này đánh dấu nỗ lực của Bộ Tài chính- Tổng cục Hải quan trong việc nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ về việc gia nhập Công ước và khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tăng cường hội nhập quốc tế và thực hiện các thông lệ quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho thương mại. Việc gia nhập Công ước cũng là một hoạt động thiết thực phục vụ cho việc triển khai chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Việc áp dụng chế độ tạm quản theo quy định của Công ước quốc tế sẽ trực tiếp nâng cao hiệu quả thông quan hàng hóa, giảm thời gian, chi phí và áp lực công việc cho cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn về đầu tư, thương mại, văn hóa, thể thao, nghệ thuật, triển lãm và hội thảo. Ngoài ra, việc gia nhập Công ước cũng tạo cơ hội cho Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, thể thao, nghệ thuật, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam.