10 việc không cần kinh nghiệm, lương cao trong ngành công nghệ Mỹ
Khoa học dữ liệu, quản lý sản phẩm và phát triển phần mềm có thể nhận hơn 100.000 USD mỗi năm dù làm chưa tới 3 năm.
10. QA Analyst (Chuyên viên phân tích đảm bảo chất lượng sản phẩm)
Có mức lương trung bình 70.383 USD mỗi năm dù mới vào nghề, người làm vị trí này cần tìm kiếm vấn đề tồn tại trong các trang web hay phần mềm, đồng thời đảm bảo rằng lỗi được sửa chữa. Trách nhiệm bao gồm cả kiểm toán phần mềm hay đưa ra yêu cầu để sửa chữa các khiếm khuyết nếu có.
9. Giám đốc tiếp thị (Marketing Manager)
Không cần tới 3 năm kinh nghiệm, một giám đốc tiếp thị trong lĩnh vực công nghệ có thể nhận mức lương trung bình 70.392 USD một năm. Trong công việc, họ thường đóng vai trò là trung gian giữa đội ngũ công nghệ thông tin và bộ phận tiếp thị. Tuy nhiên tùy trường hợp, nhiệm vụ và trách nhiệm hàng ngày của mỗi người sẽ khác nhau dựa theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
8. Đại diện bán hàng (Sales Representative)
Tại một công ty công nghệ, mục tiêu của đại diện bán hàng là tăng cường doanh số với các khách hàng tiềm năng. Điều này có thể đòi hỏi khả năng thuyết trình về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ của công ty. Làm được điều đó, họ có thể nhận mức lương trung bình 70.622 USD mỗi năm.
7. Nhà thiết kế UI/UX (UI/UX Designer)
Mức lương trung bình của vị trí này, dù chưa có nhiều kinh nghiệm tại các công ty công nghệ, là 84.841 USD một năm. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về trải nghiệm người dùng của trang web hay ứng dụng, bao gồm việc đảm bảo sản phẩm tuân thủ yêu cầu về cả tầm nhìn của công ty. Trách nhiệm có thể bao gồm các yếu tố như thiết kế menu, minh họa ý tưởng thiết kế thông qua bảng phân cảnh và nhiều công việc đa dạng khác.
6. Kỹ sư DevOps (DevOps Engineer)
DevOps là viết tắt của Development và Operations. Vị trí này là sự kết hợp giữa phát triển phần mềm và xây dựng hệ thống hạ tầng, nhằm rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm. Thu nhập trung bình mỗi năm của công việc này khoảng 89.300 USD, cho cả người chưa có 3 năm kinh nghiệm. Công việc chính của họ là kiểm tra các thiết kế đã triển khai, xử lý triển khai mã, xây dựng và thử nghiệm các công cụ tự động hóa...
5. Kỹ sư bán hàng (Sales Engineer)
Thu nhập trung bình hàng năm của công việc này là 90.575 USD. Vai trò của kỹ sư bán hàng là bán các dịch vụ và sản phẩm công nghệ. Nhân viên cần thiết lập mối quan hệ với khách hàng và khách hàng tiềm năng để xác định các yêu cầu dịch vụ, chuẩn bị dự toán chi phí. Họ cũng cần biết cách hợp tác chặt chẽ với các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật khác để có thể đạt được mục tiêu kinh doanh.
4. Nhà phát triển phần mềm di động (Mobile Developer)
Vị trí này có mức lương trung bình 98.317 USD một năm. Một nhà phát triển phần mềm di động chủ yếu làm việc trên các ứng dụng cho thiết bị di động. Trong vai trò này, họ có thể được yêu cầu thiết kế giao diện, khắc phục sự cố, gỡ lỗi sản phẩm và hỗ trợ toàn bộ vòng đời ứng dụng. Công việc bắt đầu từ khi có ý tưởng cho tới khi ra mắt và vận hành sản phẩm.
3. Nhà phát triển (Developer)
Mức lương trung bình cho vị trí này là 100.610 USD một năm. Một nhà phát triển có nhiệm vụ thiết kế và kiểm tra phần mềm. Trách nhiệm sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại công việc và công ty. Tuy nhiên, các đòi hỏi chung bao gồm khả năng viết, chỉnh sửa, bảo trì và kiểm tra phần mềm máy tính.
2. Giám đốc sản xuất (Product Manager)
Với vị trí này, mức lương trung bình nhận được là khoảng 106.127 USD một năm. Vai trò chính của giám đốc sản xuất thường liên quan đến việc lập kế hoạch cho các giai đoạn phát triển và giới thiệu sản phẩm, sau đó duy trì sản phẩm đó sau khi nó ra mắt. Công việc đòi hỏi kỹ năng nghiên cứu thị trường, xác định thông số kỹ thuật, thời gian sản xuất và phát triển các chiến lược tiếp thị.
1. Phân tích dữ liệu (Data Scientist)
Trong xu hướng công nghệ mới, các nhà phân tích dữ liệu được chào đón với mức lương trung bình là 113.254 USD một năm dù chưa đủ 3 năm kinh nghiệm. Công việc chính là thu thập thông tin người dùng bằng cách sử dụng các công cụ để khai thác thông qua một lượng lớn dữ liệu. Một nhân viên trong vai trò này thường sử dụng những hiểu biết thu thập được để đưa ra các giải pháp cho các vấn đề kinh doanh.