15.000 tàu cá của ngư dân được bảo hiểm theo Nghị định 67
Tính đến nay, cả nước có gần 15.000 tàu cá của ngư dân được bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Có được kết quả đó, chính là nhờ sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, đặc biệt là có vai trò quan trọng của Bộ Tài chính trong việc hoạch định chính sách phát triển thủy sản trong đó có chính sách bảo hiểm cho ngư dân trong thời gian qua.
Kịp thời phân bổ ngân sách để thực hiện chính sách bảo hiểm cho ngư dân
Qua trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính đã thông tin cho biết: Ngày 07/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản trong đó có chính sách bảo hiểm cho ngư dân.
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá, có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có xác nhận, phê duyệt đối tượng hỗ trợ của chính quyền địa phương theo đúng quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Triển khai chủ trương đó, các bộ ngành đã tích cực phối hợp trong việc tổ chức thực hiện và nhanh chóng triển khai chính sách vào cuộc sống.
Đặc biệt, có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và các địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, đề xuất biện pháp xử lý và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện...; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP tại địa phương; giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện...
Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Phó Cục trưởng Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện về bảo hiểm, thủ tục hỗ trợ ngân sách. Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo thực hiện, tổ chức làm việc tại địa phương, cơ sở để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm tại địa phương (trong đó công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về chính sách bảo hiểm, thực hiện thủ tục cấp ngân sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho đối tượng được hỗ trợ, ...), tổ chức thực hiện xác nhận, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Đảm bảo cơ chế hỗ trợ phí bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm
Hàng năm, các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai chính sách bảo hiểm và có báo cáo lên Chính phủ.
Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, việc thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định trên đã đạt được kết quả nhất định và được ngư dân tại 28 tỉnh, thành phố ven biển hưởng ứng, tham gia với 14.977 tàu cá trên 90CV được bảo hiểm (trong đó năm 2015 là 10.438 tàu cá và 6 tháng đầu năm 2016 là 4.539 tàu cá); 145.960 thuyền viên được bảo hiểm (trong đó năm 2015 là 101.540 thuyền viên và 6 tháng đầu năm 2016 là 44.420 thuyền viên).
Sáu tháng đầu năm 2016, tổng phí bảo hiểm là 128,3 tỷ đồng, tổng mức trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp xảy ra tổn thất là 12.452 tỷ đồng (gấp 97 lần tổng phí bảo hiểm), ngư dân đã khiếu nại bồi thường là 115,8 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường bảo hiểm với số tiền 33,7 tỷ đồng, hiện đang tiếp tục giám định, xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm với số tiền 82,1 tỷ đồng.
Chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là chính sách bảo hiểm tự nguyện, việc tham gia bảo hiểm phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí và nhu cầu của ngư dân.
Riêng đối với bảo hiểm ngư lưới cụ, quy tắc bảo hiểm có mở rộng bảo hiểm rủi ro đặc biệt và việc mua bảo hiểm là tùy thuộc vào nguyện vọng của ngư dân. Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, có 3.389 tàu tham gia bảo hiểm ngư lưới cụ với tổng phí bảo hiểm là 3,6 tỷ đồng và mức trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tổn thất là 449,8 tỷ đồng (gấp 123,4 lần phí bảo hiểm ngư lưới cụ).
Quá trình triển khai bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đến nay các doanh nghiệp đã tiếp nhận giải quyết bồi thường 1267 vụ tàu bị tổn thất (năm 2015 là 553 tàu, 5 tháng đầu năm 2016 là 714 tàu); chưa phát hiện trường hợp trục lợi, gian lận bảo hiểm.
Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm do DNBH và ngư dân tự giải quyết trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết đồng thời phải đảm bảo tuân thủ quy tắc điều khoản biểu phí đã đăng ký, quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng như quy định pháp luật thủy sản (trong đó có quy định về bằng cấp thuyền trưởng, máy trưởng,...) và văn bản pháp luật có liên quan.
Đối với những vụ tổn thất tàu cá lớn, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định thiệt hại, xác định phạm vi bảo hiểm và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trao tiền bồi thường bảo hiểm với những vụ bồi thường có số tiền lớn.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã tham gia trực tiếp trao 4 tỷ đồng bồi thường cho chủ tàu BD-97157-TS tại Bình Định, 2,7 tỷ đồng bồi thường cho chủ tàu QNg-97206TS tại Quảng Ngãi.
Đồng thời, sự nỗ lực, tích cực, khẩn trương của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chi trả bồi thường được địa phương và chủ tàu ghi nhận và số tiền bồi thường nhận được thực sự là nguồn kinh phí cần thiết hỗ trợ chủ tàu khắc phục khó khăn, có cơ hội đóng mới tàu cá để tiếp tục hoạt động khai thác hải sản xa bờ, yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thực tiễn triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ cho ngư dân khắc phục thiệt hại về người và tài sản thông qua cơ chế hỗ trợ phí bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển ngành thủy sản bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.