16/6 được chọn là Ngày không tiền mặt
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, Ngày thanh toán không tiền mặt sẽ được tổ chức vào ngày 16/6 hàng năm.
Đây sẽ là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung ứng dịch vụ. Đây là thời điểm bắt đầu vào mùa du lịch, mua sắm giữa năm.
Ngày không tiền mặt sẽ bao gồm chuỗi các sự kiện với hoạt động tiêu biểu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.
Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến 2021.
Theo đó, Ngày không tiền mặt sẽ có Diễn đàn không tiền mặt, cùng Tuổi trẻ sáng tác Slogan cho Ngày không tiền mặt, Hội thảo về thanh toán không dùng tiền mặt vào ngày 6/6 và Ngày mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt 16/6.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết: Trong những năm qua thanh toán không tiền mặt đã được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Các ngân hàng, tổ chức đã vào cuộc và nền tảng hạ tầng đã nỗ lực hoàn thiện dần.
Cũng theo NHNN, trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018).
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được tăng cường, mở rộng; đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM trải rộng khắp cả nước, 243.123 máy POS, phần lớn được lắp đặt tại các điểm bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích...
Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng qua từng năm. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng cho chi trả hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán mua hàng trực tuyến, đồng thời với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.
Đến nay, đã có khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet payment) và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment).
Trong năm 2018, thanh toán qua Internet có tốc độ tăng trưởng 33,6% về số món và 19,5% về số tiền so với năm 2017. Thanh toán qua điện thoại di động còn đặt mức tăng trưởng ấn tượng hơn, tăng 41,4% về số món và 169,5% về số tiền so với năm 2017.
Nhiều ngân hàng trong nước, thuộc cả khối NHTM Nhà nước và khối ngân hàng cổ phần đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động (mPOS) v.v...
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt đến với người dân, vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng. Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính toàn diện với 5 trụ cột chính đã nhấn mạnh 1 trong 5 trụ cột là yếu tố truyền thông.
Qua truyền thông, sẽ góp phần tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về tài chính cho người dân. Và ngược lại bắc nhịp cầu để cơ quan quản lý nắm bắt được thông tin từ phía các tổ chức, người dân.
Trên cơ sở đó cơ quan quản lý, Nhà nước sẽ xây dựng hàng lang pháp lý phù hợp để đảm bảo cho hoạt động của thị trường tài chính nói riêng và mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn nền kinh tế nói riêng đạt hiệu quả.
Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC, đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2018.
Mức tăng 24% của Việt Nam là ấn tượng nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát toàn cầu, trong đó, Thái Lan tăng 19% lên 67%, Malaysia tăng 17% lên 40% và Philippines tăng 14% lên 47%. Đây là một minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn, tính hiệu quả của những cơ chế chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển thanh số mà toàn hệ thống đã thực hiện thời gian qua.
Ngoài Ngày thanh toán không tiền mặt 16/6, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cũng cho biết sắp tới cơ quan quản lý cũng sẽ ra mắt ngày Thanh toán Thẻ chip.